Xã hội

Gia đình

Cuối đường hầm luôn có ánh sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Căn nhà của chị Dương Thị Hợi nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Chi Lăng (TP. Pleiku). Những ngày qua, thực hiện Chỉ thị số 16 về giãn cách xã hội phòng-chống dịch Covid-19, chị tạm ngừng việc buôn bán, chỉ quanh quẩn ở nhà. Chị bảo, nhờ gánh bún cua, mỗi ngày chị thu nhập khoảng 50-100 ngàn đồng, giờ nghỉ bán cũng lo lắm. Nhìn vào chân phải bị liệt, chị Hợi tâm sự: “Năm lên 2 tuổi, tôi bị sốt dẫn đến bại liệt. Gia đình cũng tốn kém nhiều tiền bạc chạy chữa nhưng không chuyển biến”. Nhiều lúc chị rất bi quan nhưng rồi lại tự động viên bản thân rằng: “Ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả”.
Chính vì suy nghĩ tích cực này nên chị luôn nỗ lực trong cuộc sống. Và hạnh phúc đã mỉm cười với chị. Năm 1998, chị từ tỉnh Bình Định lên TP. Pleiku thăm gia đình chị gái. Ở đây, chị gặp anh Nguyễn Văn Tạo, một người bạn của vợ chồng chị gái. Sau đó, cả 2 vẫn thường xuyên giữ liên lạc. “Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Tạo không trở về quê Thái Bình mà ngỏ lời xin lấy tôi làm vợ. Nghĩ mình khuyết tật, sẽ trở thành gánh nặng cho anh, sau này làm sao chăm sóc con cái nên tôi không đồng ý. Ngay cả người thân trong gia đình khi biết chuyện cũng ngăn cản, chỉ có mẹ là đồng thuận”-chị Hợi bộc bạch. Nhưng rồi, tình cảm chân thành cũng như sự kiên trì của người yêu cuối cùng cũng đã thuyết phục được chị. 
Hàng ngày chị Hợi rong ruổi trên chiếc xe ba bánh tự chế đi bán bún cua. Ảnh: Đ.Y
Hàng ngày chị Hợi rong ruổi trên chiếc xe ba bánh tự chế đi bán bún cua. Ảnh: Đ.Y
Sau ngày cưới, vợ chồng chị Hợi được gia đình chị gái cho mảnh đất trong con hẻm đường Chi Lăng để dựng nhà ở. Những năm đầu, cuộc sống của anh chị cũng gặp nhiều khó khăn. Anh Tạo lái xe thuê đường dài, còn chị cũng chịu khó làm nhiều nghề để phụ chồng. Dẫu vậy, thấy 2 con lần lượt chào đời khỏe mạnh, ngoan hiền, vợ chồng chị luôn nhắc nhau cố gắng vun bồi hạnh phúc gia đình. Hiện con trai lớn đang học năm 3 Trường Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh, con trai thứ hai học lớp 11 Trường THPT Pleiku. Được trời phú năng khiếu ca hát nên chị Hợi tích cực tham gia các cuộc thi của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam. 2 lần tham gia hội thi tổ chức tại TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa, chị đều đạt giải. Ông Nguyễn Văn Thưởng-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh-cho biết: “Dù khuyết tật nhưng chị Hợi rất chịu khó, vượt lên hoàn cảnh để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Mới đây, chị Hợi là một trong số 52 người khuyết tật tiêu biểu được biểu dương toàn tỉnh giai đoạn 2015-2020”.
2. Sinh ra đã bị mù, những tưởng suốt đời anh Rơ Châm Bom (38 tuổi, làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) chỉ có thể sống dựa vào người thân. Song ngược lại, anh luôn biến mình trở thành người có ích.  
Anh Rơ Châm Bom chuẩn bị bó đũa bán cho khách. Ảnh: Đ.Y
Anh Rơ Châm Bom chuẩn bị bó đũa bán cho khách. Ảnh: Đ.Y
Anh Bom kể, ngày còn nhỏ, mỗi khi nghe 4 đứa em trong nhà rủ nhau đi học là anh lại khóc. Mãi sau này, khi ý thức mình không có được đôi mắt sáng như mọi người, anh mới chấp nhận thực tế. Thay vì âu sầu, anh ngồi bên cạnh nghe các em đọc bài, nhờ đó cũng thuộc được khá nhiều bài thơ, bài văn hay. Mắt không nhìn thấy nhưng anh Bom lại có đôi bàn tay khéo léo, có thể làm đũa, vót tăm, làm đàn t’rưng...
Nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh không chỉ vượt qua khó khăn, mặc cảm mà còn luôn lạc quan, đứng vững trong cuộc sống. Bởi họ tin rằng, cuối đường hầm luôn có ánh sáng.
Như để chứng minh, anh cầm con dao và vót từng chiếc đũa, chiếc tăm tròn đều rồi quay sang chúng tôi cười hiền, giải thích: “Mình không nhìn bằng mắt mà bằng cảm giác. Mỗi khi làm xong một sản phẩm, thấy mọi người xung quanh khen ngợi, mình vui lắm!”. Mọi nguyên vật liệu anh đều nhờ các em đi lấy về, còn các công đoạn như phơi khô, vót... thì tự làm. Mỗi chiếc đàn t’rưng anh mất khoảng 2 tuần để hoàn thành. “Mình đã tự chế tác và bán được 7 chiếc đàn, giá từ 600 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/chiếc”-anh Bom phấn khởi kể. Nhờ vậy, anh thấy cuộc sống của mình trở nên thật ý nghĩa. Anh Vích-cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xã Ia Mơ Nông-cho hay: “Dù bị khiếm thị bẩm sinh nhưng anh Bom sống rất có nghị lực và trách nhiệm. Hiện tại, anh không chỉ tự kiếm thu nhập trang trải cho cuộc sống của bản thân mà còn nuôi mẹ già đã 78 tuổi”.
3. Chị Nguyễn Thị Dung (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cũng là một phụ nữ khuyết tật nhưng giàu nghị lực. 2 chân bị liệt từ sau trận sốt năm 3 tuổi, suốt 50 năm sống với cơ thể khiếm khuyết, nhiều lúc chị không khỏi tủi thân, mặc cảm. “Không muốn cả cuộc đời sống như cây tầm gửi, bó hẹp giữa 4 bức tường, tôi cố gắng học thật giỏi. Năm 1988, tôi thi đậu Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Nhưng thật không may, thời điểm đó, nhà trường không nhận những người khuyết tật vào học. Tôi khóc suốt mấy tháng trời. Không đầu hàng, tôi quyết tâm kiếm cho mình một cái nghề để có thể tự nuôi bản thân, vừa phụ giúp gia đình”-chị Dung kể lại.
Chị Nguyễn Thị Dung (thứ 2 từ trái sang) cùng hội viên Hội Người khuyết tật TP. Pleiku tham gia Hội thi văn nghệ tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Đ.Y
Chị Nguyễn Thị Dung (thứ 2 từ trái sang) cùng hội viên Hội Người khuyết tật TP. Pleiku tham gia Hội thi văn nghệ tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Đ.Y
Và chị đã chọn học nghề may. Nhờ sự kiên trì và khéo tay, sau nhiều tháng miệt mài, chị đã thành nghề và sống được với nghề. Rồi tình cờ chị gặp anh Lương Văn Toàn, khi ấy là bộ đội nghĩa vụ Quân đoàn 3 đóng quân ở Bình Định (gần nhà chị). Năm 1994, anh chị nên duyên chồng vợ. Sau ngày cưới, anh Toàn phải chuyển công tác lên Sư đoàn 320. Theo chồng lên vùng đất mới, chị không khỏi bỡ ngỡ nhưng bằng niềm tin và nghị lực, lần hồi chị tìm được việc làm thêm, đó là nhận may vá cho bộ đội và người dân gần đó, rồi bán thêm nhu yếu phẩm. Cuối năm 1995, anh chị vô cùng hạnh phúc khi 2 cậu con trai sinh đôi chào đời. Nhìn 2 con Lương Hà Hưng và Lương Hưng Hà ngày một khôn lớn, trưởng thành, anh chị càng có thêm động lực phấn đấu. Cậu con trai đầu nay đã tốt nghiệp Trường Đại học Quản trị kinh doanh và đang làm cho một công ty nước ngoài tại Đà Nẵng. Con thứ 2 học xong Đại học Công nghệ thông tin và đang học thêm ở lĩnh vực công nghệ cao. Cách đây 10 năm, chị được phẫu thuật nên giờ vẫn có thể nhúc nhắc đi lại.
Với uy tín và kinh nghiệm có được, chị Dung hiện là Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Pleiku. Mới đây, chị được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vinh danh là một trong những gương nữ khuyết tật vượt lên số phận tiêu biểu toàn quốc.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm