Cựu chiến binh ở huyện Chư Prông giúp nhau vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, mô hình kết nghĩa giúp nhau phát triển kinh tế giữa chi hội/hội viên cựu chiến binh (CCB) người Kinh với chi hội/hội viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Prông đã mang lại hiệu quả thiết thực. 
 Cựu chiến binh thôn An Hòa hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cho cựu chiến binh Siu Nhíp. Ảnh: P.L
Cựu chiến binh thôn An Hòa hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cho cựu chiến binh Siu Nhíp. Ảnh: P.L
Từ mô hình kết nghĩa này, phong trào thi đua của nhiều chi hội được đẩy mạnh, đời sống của nhiều CCB từng bước được nâng cao. 
Hội CCB xã Ia Drăng là đơn vị có 2 mô hình kết nghĩa giúp nhau phát triển và đã mang lại những kết quả khả quan, đó là: chi hội CCB thôn An Hòa kết nghĩa với chi hội CCB làng Xung, chi hội CCB thôn Bình Thanh kết nghĩa với chi hội CCB làng Klũ.
Chi hội CCB thôn An Hòa có 36 hội viên, đa số đều có vườn rẫy cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hàng năm, mỗi hội viên đều đóng góp 1,5 triệu đồng để làm quỹ hội. Trong khi đó, chi hội CCB làng Xung chỉ có 6 hội viên là người Jrai, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, trồng cây công nghiệp nhưng năng suất không cao vì thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, hoạt động cũng còn khá yếu. Hiểu được khó khăn của hội viên CCB làng Xung, sau khi kết nghĩa, 2 chi hội thường xuyên tổ chức sinh hoạt chung để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đồng thời trực tiếp đến vườn cây để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chuyển đổi vật nuôi phù hợp với tình hình địa phương, điều kiện từng gia đình hội viên. Ngoài ra, từ nguồn quỹ sẵn có, chi hội CCB thôn An Hòa còn hỗ trợ vốn và cây giống cho hội viên làng Xung. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của chi hội CCB thôn An Hòa, hầu hết hội viên ở làng Xung đều biết kỹ thuật chăm sóc cây trồng, một số hội viên từ khó khăn vươn lên làm giàu, thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Điển hình như ông Siu Nhíp-Chi hội trưởng chi hội CCB làng Xung. Hiện  ông Siu Nhíp có hơn 4 sào cà phê, 150 trụ hồ tiêu cho năng suất cao. “Nhận được sự giúp đỡ, CCB làng Xung đã học được nhiều kỹ thuật canh tác mới để đạt năng suất cao. Đời sống của CCB cũng đã cải thiện đáng kể”-ông Siu Nhíp chia sẻ.
Ông Đoàn Văn Xuân-Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Prông: Toàn huyện có 9 chi hội, 24 hội viên CCB người Kinh kết nghĩa với chi hội, hội viên CCB người dân tộc thiểu số. Các mô hình kết nghĩa đã phát huy tinh thần đồng đội, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, tiến tới giảm nghèo bền vững; mối quan hệ giữa các cấp Hội ngày càng được củng cố. Sắp tới, Hội CCB huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình kết nghĩa hiệu quả này ra các cấp Hội cơ sở khác trên địa bàn huyện.

Trao đổi thêm về mô hình kết nghĩa giữa 2 chi hội, ông Phạm Văn Nhường-Chi hội trưởng chi hội CCB thôn An Hòa-cho biết: “2 chi hội kết nghĩa từ năm 2005. Đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ kỹ thuật và vốn giúp đồng đội của mình thoát khỏi khó khăn để nuôi dạy con cháu, vượt qua đói nghèo. 2 chi hội thường xuyên sinh hoạt chung, mỗi khi làng Xung có lễ hội, chi hội thôn An Hòa đều được mời đến tham gia và góp vui”.
Tại xã Ia Lâu, sau khi chi hội CCB thôn Phố Hiến kết nghĩa với chi hội CCB làng Đút, chi hội CCB thôn Bắc Thái kết nghĩa với chi hội CCB làng Tu, hội viên ngày càng gắn bó với nhau. Vào mỗi dịp lễ, Tết, các chi hội đều thường xuyên thăm hỏi, tặng quà và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ. Định kỳ hàng quý, 2 chi hội kết nghĩa tổ chức gặp gỡ, trao đổi tình hình, chia sẻ  khó khăn tìm cách giải quyết kịp thời. Đồng thời, hỗ trợ vốn và cây giống, trao đổi kinh nghiệm sản xuất để tạo nguồn thu nhập ổn định. Tiêu biểu có hội viên Nguyễn Như Loan (thôn Phố Hiến) đã hỗ trợ cho nhiều hội viên làng Đút số vốn trên 50 triệu đồng để mua phân bón và phát triển chăn nuôi. Bà Trần Thị Chiêu-Chủ tịch Hội CCB xã Ia Lâu-cho biết: “Phong trào CCB thi đua phát triển kinh tế được hội viên hưởng ứng tích cực. Mô hình kết nghĩa đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, quan tâm, sẻ chia giữa các hội viên với nhau”.
Phan Lài

Có thể bạn quan tâm