Kinh tế

Doanh nghiệp

Cựu Chủ tịch Cao su: Một thời hoàng kim rồi 'hạ cánh không an toàn'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau thời hoàng kim làm Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), ông Lê Quang Thung đã không thể có cuộc hạ cánh an toàn sau khi về hưu. Nhiều năm sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, các lãnh đạo của Chủ tịch Tập đoàn Cao su ngày nào đã bị khởi tố.
5 sếp một thời cùng bị khởi tố
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Cao su Đồng Nai, công ty Cao su Phú Riềng và các đơn vị có liên quan.
Ngày 7-12, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật đối với 5 bị can gồm: ông Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam; Nguyễn Thành Châu-nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Văn Minh-nguyên Kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Hồng Phú-nguyên Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng; Hoàng Văn Sơn - Kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng.
5 bị can bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại điều 165 - bộ luật Hình sự.
Ông Lê Quang Thung được bổ nhiệm chức quyền Chủ tịch Hội đồng quan trị Tập đoàn Cao su vào tháng 3-2010. Khi đó, ông Thung thay thế cho vị trí của ông Hồ Xuân Hùng - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Trước khi ông Thung được bổ nhiệm vị trí quyền Chủ tịch Tập đoàn Cao su, đơn vị này cũng đang trong giai đoạn “khủng hoảng”.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam đã không thể có cuộc hạ cánh an toàn sau khi về hưu.
Cụ thể, cuối tháng 4-2008, nguyên Chủ tịch VRG là ông Trần Kiên Quyết đã bị Thủ tướng ra quyết định cách chức do "vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian làm Giám đốc Công ty Cao su Tân Biên thuộc VRG". Trong khoảng thời gian sau đó đến tháng 3-2010, vị trí này do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hùng kiêm nhiệm cho tới khi ông Lê Quang Thung nhận được quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng.
Trước khi làm quyền chủ tịch tập đoàn cao su, ông Lê Quang Thung là Tổng Giám đốc tập đoàn này. Giữ trọng trách đứng đầu Tập đoàn Cao su chỉ hơn 1 năm, ông Lê Quang Thung nghỉ hưu từ 1-1-2012.
Đáng nói là thời kỳ ông Thung làm tổng giám đốc rồi chủ tịch Tập đoàn Cao su cũng là thời hoàng kim của ngành này khi giá cao su lên cao kỷ lục, diện tích trồng được mở rộng rất lớn ra cả nước, sang cả Lào và Campuchia. Điều đó khiến cho Tập đoàn Cao su dù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng lại rất nhiều tiền và trở nên rất hot. Tiền từ cao su đổ sang nhiều lĩnh vực tài chính, BĐS, ngân hàng,...
Sau khi nghỉ hưu, ông Lê Quang Thung đảm nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị độc lập ngân hàng SHB từ ngày 5-5-2012.
Đến ngày 3-8-2015, Hội đồng quản trị Ngân hàng SHB đã thống nhất để ông Lê Quang Thung thôi giữ chức vụ trên để tập trung chữa bệnh theo nguyện vọng cá nhân.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo liên quan đến các sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại VRG và các đơn vị thành viên trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2011 đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.
Ngoài ra, Tập đoàn Cao su phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-7-2018 về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, đất đai tại tập đoàn và các đơn vị thành viên trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2017.
Cái kết được báo trước
Năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra tại Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Theo kết luận thanh tra khi ấy, Thanh tra Chính phủ cho hay: Tính đến 31-1-2011, Tập đoàn Cao su đã đầu tư ra ngoài nghề kinh doanh chính hơn 2.420 tỷ đồng, chiếm 13,03% vốn điều lệ và chiếm 13,25% tổng vốn đầu tư tài chính, chủ yếu lấy từ nguồn vốn điều lệ do nhà nước đầu tư. Thanh tra Chính phủ nhận định việc thiếu tính toán, đầu tư dàn trải là một phần nguyên nhân dẫn đến tỷ suất lợi nhuận rất thấp, nhiều khoản đầu tư trong nhiều năm không có lợi nhuận, một số khoản tiềm ẩn nguy cơ mất vốn với giá trị lớn.
Cụ thể, VRG đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các công ty hoạt động trong các lĩnh vực thủy điện, xi măng, kinh doanh khách sạn, thép, chứng khoán,... song hầu như trong nhiều năm liên tục không có lợi nhuận được chia.
Đáng chú ý là tại Công ty CP Cao su Phú Riềng - Kratie (PRK), Thanh tra Chính phủ kết luận có tới 85% diện tích cao su trồng bị chết hoặc không đảm bảo chỉ số phát triển. Công ty này còn sử dụng vốn đầu tư sai mục đích như việc đầu tư vào một số dự án khác khi chưa được phép đầu tư tại Campuchia.
Bên cạnh đó, quá trình thanh tra còn phát hiện, một số lãnh đạo VRG tham gia góp vốn cá nhân, gia đình để sáng lập và lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động Công ty CP Chế biến và XNK Thủy sản Đồng Tháp (DSEC). Trong đó, nguyên Chủ tịch HĐQT VRG kiêm luôn chức Chủ tịch HĐQT DSEC; còn Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp và xuất nhập khẩu Cao su kiêm Tổng giám đốc DSEC,... vi phạm Luật Doanh nghiệp 2005.
Đáng lưu ý, việc đầu tư góp vốn thành lập Công ty cổ phần Cao su Phú Riềng - Kratie để đầu tư trồng cao su tại Campuchia đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong nhiều khâu, dẫn đến chất lượng vườn cây thấp, chết nhiều, khả năng thiệt hại có thể lên tới hơn 483 tỷ đồng. Trong khi đó, VRG và chủ đầu tư còn thực hiện vay vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng và sử dụng sai mục đích gần 1,9 triệu USD mà khi ấy chưa thu hồi được.
Cùng với việc đề nghị kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm tại VRG cùng các đơn vị thành viên và yêu cầu xử lý về kinh tế hơn 8.366 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ còn đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra những sai phạm nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế được phát hiện khi thanh tra.
Hà Duy (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm