Nhằm giúp ngư dân thực hiện chuyển đổi nghề khai thác theo hướng bền vững, giảm dần sức ép khai thác quá mức các loại cá, hải sản nhỏ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng đã triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề cấm khai thác và nghề khai thác ven bờ cho ngư dân.
Chương trình này được thực hiện từ tháng 8 đến 12-2011 với sự tham gia thí điểm của 6 hộ ngư dân ở quận Sơn Trà. Chương trình đã hỗ trợ gần 400 triệu đồng cho những hộ ngư dân này chuyển đổi từ những nghề cấm khai thác (nghề giã cào, dùng xung điện...) và nghề khai thác ven bờ sang nghề lưới rê ba lớp, nghề lờ mực và nghề lồng bẫy ghẹ.
Theo Trung tâm khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng, nghề rê 3 lớp có mùa vụ khai thác dài, từ 7-8 tháng/năm, chi phí đầu tư cho mỗi chuyến biển thấp, đồng thời mang lại năng suất ổn định hơn cho ngư dân.
Đối với nghề lờ mực và lồng bẫy ghẹ thì đây là mô hình chuyển đổi phù hợp với các loại tàu thuyền có công suất nhỏ từ 30-90CV và cho khai thác được 6 tháng/năm.
Ông Đặng Văn Phú Em trú tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà có tàu đánh cá tham gia chương trình cho biết từ khi chuyển sang nghề rê ba lớp cho năng suất cao hơn nhiều so với nghề lưới kéo đôi, giã cào, hay pha xúc điện trước đây đồng thời bảo vệ được nguồn hải sản nhỏ.
Trong 3 chuyến ra khơi gần đây nhất, mỗi chuyến thường kéo dài từ 6-7 ngày, ông Em đã thu về gần 400 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí sản xuất còn lãi gần 260 triệu đồng. Hiện nay các nghề đánh bắt mới này đã được giới thiệu và nhân rộng ra cho ngư dân ở các quận ven biển của thành phố.
Đà Nẵng hiện có trên 1.600 tàu thuyền đánh cá các loại, trong đó phần lớn bà con đánh bắt thuỷ sản bằng nghề giã cào, pha xúc điện gây ảnh hưởng xấu tới nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt ở vùng ven bờ. Vì vậy đẩy mạnh việc chuyển đổi nghề đánh bắt vừa tạo việc làm, vừa giúp ngư dân chuyển sang cơ cấu nghề khai thác thủy sản theo hướng bền vững. Trong năm 2012 thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ để giúp ngư dân đẩy mạnh việc chuyển đổi nghề đánh bắt.
Theo TTXVN