Với trữ lượng nguồn lợi khoảng 1,1 triệu tấn, trên 670 giống, loài, trong đó hải sản có giá trị kinh tế cao là 110 loài. Hàng năm, đội tàu thủy sản khai thác được 37.000-40.000 tấn các loại phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển được tập trung đầu tư theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa: Hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, cảng cá, âu thuyền trú bão, chợ đầu mối thủy sản miền Trung tại Thọ Quang... đã góp phần tạo nên sức bật mới cho thành phố trong những năm tới.
Với mục tiêu trở thành trung tâm nghề cá mạnh của miền Trung và cả nước, có mức tăng trưởng cao về giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản từ 14-15%/năm, Đà Nẵng đã xác định hướng đi là tăng cường đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, hạn chế tối đa vùng ven bờ, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thành phố phấn đấu đến năm 2010 đầu tư đóng mới 130-150 tàu có công suất từ 200 CV/chiếc trở lên và cải hoán nâng cấp ít nhất 800 tàu cá có công suất nhỏ, đưa tổng công suất tàu cá lên 30.000 CV. Bên cạnh đó, đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá từ 5-10 chiếc có công suất từ 800-1.000 CV/chiếc cũng được đầu tư,cung cấp nguyên nhiên liệu và thu mua sản phẩm ngay trên biển.
Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có hơn 20 đơn vị chế biến hải sản xuất khẩu. Ngoài hệ thống các cơ sở chế biến hiện có, tập trung tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, thành phố đã quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ cao, phát triển các nhà máy chế biến và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển đảo kết hợp với giữ vững an ninh-quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ, thành phố Đà Nẵng đã, đang và sẽ tích cực hợp tác và đấu tranh để thực hiện các cam kết quốc tế về biển.
Đồng thời, thành phố kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển, tạo môi trường thuận lợi để mở rộng quan hệ trao đổi khoa học kỹ thuật, đầu tư, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang bị cho quốc phòng-an ninh.
Theo TTXVN