Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Đà Nẵng triển khai '5 không' trong phòng, chống dịch COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định thành phố không để người dân thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu, địa phương nào để người dân thiếu thực phẩm thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

 Các chốt chặn ở các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì để kiểm tra người và phương tiện lưu thông. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Các chốt chặn ở các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì để kiểm tra người và phương tiện lưu thông. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)


Chiều 16/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc họp bàn về các biện pháp phòng, chống dịch.

Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng đã triển khai Quyết định 2788/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố được 12 giờ, bước đầu cho thấy người dân chấp hành nghiêm việc không ra ngoài đường, chỉ có một số ít người vi phạm.

Các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt, nghiêm túc, tổ chức phối hợp nhịp nhàng, đến thời điểm này, chưa có vướng mắc, khó khăn. Điều đó cho thấy có sự chuẩn bị kỹ của các ngành.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng gửi lời cám ơn đến tất cả người dân về việc chấp hành nghiêm quyết định của thành phố, hy vọng trong thời gian tới người dân tiếp tục chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Quảng nêu ra một số điểm hạn chế yêu cầu khắc phục, xử lý ngay như việc cấp thẻ ra ngoài, công tác lấy mẫu xét nghiệm và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19. Do đây là ngày đầu tiên thực hiện việc ngừng mọi hoạt động và không để người dân ra ngoài nên nhu cầu thực phẩm của người dân không cao, dự kiến trong 2-3 ngày tới nhu cầu của người dân sẽ tăng lên.

Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần có phương án chuẩn bị, sẵn sàng cung cấp lương thực-thực phẩm cho người dân; cần xác định, rà soát các hộ dân gặp khó khăn, người nước ngoài để tổ chức việc hỗ trợ đúng thời điểm.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định thành phố không để người dân thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu, địa phương nào để người dân thiếu thực phẩm thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền về việc chấp hành từ phía người dân, vai trò trách nhiệm từ phía cán bộ cấp cơ sở, phản ánh kịp thời những hành vi vi phạm; phát động phong trào các chủ trọ giảm tiền trọ trong dịp này.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, thành phố có 7 ngày vàng để chống dịch, vì vậy, tất cả các lực lượng, địa phương cần tranh thủ tuyệt đối để tập trung triển khai khoa học việc lấy mẫu, đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát vào các ngõ hẻm trong khu dân cư, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm túc; công an, quận đội, y tế và một số lực lượng khác có liên quan phải tập trung làm thật chặt tại cửa ngõ và địa bàn xung quanh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, đưa ra nguyên tắc "5 không" để các địa phương, đơn vị thực hiện gồm: không để tình trạng bất cập trong thời gian qua tiếp tục diễn ra; không để người dân thiếu ăn, thiếu thông tin; không để lây nhiễm chéo và bỏ lọt xét nghiệm; không để thông tin sai sự thật gây nhiễu loạn; không để dân tập trung khu phong tỏa, khu dân cư, khu cách ly.

Thành phố đã gửi các suất quà hỗ trợ của nhà tài trợ cho người nghèo, người gặp khó khăn, hộ cận nghèo. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chia sẻ sẵn sàng bên cạnh Đà Nẵng, cung cấp cho Đà Nẵng tối đa nhu cầu rau, củ, quả.

Ông Lê Trung Chinh yêu cầu các quận, huyện hướng dẫn người dân tổ chức đám tang theo Chỉ thị 05/CT-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố, trong đó chính quyền phải đảm bảo giãn cách, hạn chế người tham dự, thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Theo ông Chinh, các đơn, vị địa phương cần tận dụng 7 ngày vàng để triển khai công tác truy vết, xét nghiệm, đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh, ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), cho rằng chuỗi lây nhiễm của chợ đầu mối Hòa Cường đang lan rộng, trong những ngày tới Đà Nẵng sẽ ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19. Chuỗi lây nhiễm trong khu vực phong tỏa quận Sơn Trà cơ bản được kiểm soát.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trần Thanh Thủy cho biết việc kiểm tra công tác lấy mẫu trong ngày cho thấy phần lớn các địa phương đều lấy mẫu tại chỗ, thực hiện đúng nguyên tắc "ai ở đâu ở đấy," việc này sẽ góp phần khoanh vùng các ca mắc COVID-19 nhanh gọn. Tuy nhiên, còn một số điểm lấy mẫu không đảm bảo việc khử khuẩn tay, giãn cách của người dân, lực lượng hỗ trợ thực hiện việc bảo hộ không đầy đủ.

Về việc đảm bảo thực phẩm, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực thành phố Đà Nẵng, thông báo  thành phố được 3 nhà tài trợ cung cấp rau, củ quả với tổng cộng có 3.600 tấn. Ông đề nghị các quận, huyện tổ chức phát sớm rau, củ quả cho các hộ dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng, tính từ 13 giờ ngày 15/8 đến 13 giờ ngày 16/8, Đà Nẵng ghi nhận 96 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong số đó, 31 trường hợp đã được cách ly tập trung, 20 trường hợp cách ly tại nhà, 36 trường hợp được ghi nhận trong khu phong tỏa, 9 trường hợp chưa được cách ly.

Như vậy, tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 1.875 trường hợp mắc COVID-19.

Trong ngày 16/8, thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm cho 72.976 người; thực hiện cách ly, giám sát 3.128 trường hợp F1 và 5.053 trường hợp F2; đang điều trị 1.212 bệnh nhân; 41 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và xuất viện; các quận, huyện đã xử phạt 10 trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo Võ Văn Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm