Phóng sự - Ký sự

Đà Nẵng từ lao vươn lên thành phố đáng sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi đã có may mắn sống ở Đà Nẵng 4 năm, cảm nhận sự đổi thay của nó, từ cần lao vươn lên thành phố đáng sống.Tôi  có được 2 trường ca đầu tiên trong sáng tác thơ.

Tháng 3 năm 1976, tôi khoác ba lô từ Hà Nội vào Đà Nẵng, trở thành trại viên của Trại sáng tác văn học Quân khu 5. Đà Nẵng ngày ấy mới vừa qua chiến tranh chưa lâu, thành phố "có vẻ lớn" chứ chưa thật sự lớn.

Sông Hàn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách đến Đà Nẵng

Khi đó, Đà Nẵng là một thành phố cần lao, với những người làm nhiều công việc lao động nặng nhọc. Do trại sáng tác gần sát bến tàu sông Hàn nên tôi thường ra bến chơi. Ở đó, tôi đã thấy những phụ nữ làm công việc bốc vác, buổi trưa họ tạm nghỉ, ngồi trên đất ăn cơm. Suất cơm của họ vô cùng đạm bạc. Cảm xúc trước cảnh những người lao động nặng nhọc, tôi đã viết được bài thơ Bến sông Hàn buổi trưa:

Buổi trưa các chị xuống giặt giũ ở sông Hàn

những tấm áo lấm bụi đầm mồ hôi

làm mặt nước tỏa những viền sóng nhỏ

hoa phượng ném giữa trời xanh từng vốc lửa

dăm bảy con tàu gối bến ngủ lơ mơ

nghe thanh thản trên lưng người bốc vác

lúc những bao hàng nặng đã qua

trong thấm mát các chị mềm như nước

trầm xuống bến sông giữa những chiếc neo tàu

quanh bóng phượng những lon cơm từ từ giở ra

một ít cá kho với nhiều rau muống luộc

mấy củ khoai của vùng đất cát

nắng hầm hập mặt đường. Các chị ăn trưa

những cháu bé ở nhà

chắc giờ này đã ngủ

những con tàu nằm ngoan như trẻ nhỏ

nắng dồn xuống dây phơi

những chiếc áo khô rồi

bao viền sóng mặn mồ hôi

đã lặng tan mặt trời lấp lóa

các chị trải chiếu tìm phút chợp mắt ban trưa

từ biển bỗng phả sang mùi mắm cá

và hơi thở đều đều yên ả

của con tàu người bốc vác dòng sông

làm đầy lên ngọn gió

thổi mát qua thành phố suốt trưa nồng

Tháng 5.1976

Cầu Rồng nối 2 bờ sông Hàn, TP.Đà Nẵng

Gọi Đà Nẵng những năm ấy là thành phố cần lao vì những công dân thành phố này phải lao động rất nặng nhọc. Đúng là một thành phố cảng thời kỳ chưa phát triển.

Nhưng Đà Nẵng đã ấp ủ trong nó hình ảnh một thành phố lớn. Ngày ấy, đi lại qua con sông Hàn đều phải đi bằng phà hay đò, vì chỉ có một chiếc cầu duy nhất do Mỹ làm phục vụ quân sự.

Nhiều đêm, chúng tôi qua phía Sơn Trà chơi với bạn bè, khuya về đều phải đi đò ngang. Nhìn vẻ ngoài thì vậy, nhưng chơi với người Đà Nẵng, tôi cảm nhận tự bên trong họ có những sức mạnh tiềm ẩn. Phải hơn 20 năm sau, sức mạnh "dời non lấp biển" ấy mới có điều kiện bộc lộ. Đó là thời ông Nguyễn Bá Thanh làm chủ tịch, sau đó làm bí thư thành phố. Đà Nẵng đã chuyển mình, đã thay đổi vô cùng ngoạn mục. Từ một thành phố cần lao, Đà Nẵng đã vươn lên một thành phố đáng sống.

Những người "có điều kiện" trong cả nước đổ xô về mua đất làm nhà, xây dựng khách sạn, cao ốc, những công trình kiến trúc khiến Đà Nẵng khoác lên mình "bộ vía" thời trang vừa thu hút, vừa đầy hứa hẹn.

Du khách quốc tế trên tàu du lịch biển Silver Spirit cập Cảng Tiên Sa, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng

Những cây cầu như những tác phẩm nghệ thuật nối 2 bờ sông Hàn. Những lễ hội bắn pháo hoa được tổ chức hằng năm. Khách du lịch trong nước và quốc tế coi Đà Nẵng là một địa chỉ không thể không đến. Sân bay quốc tế Đà Nẵng nối liền thành phố này với rất nhiều nơi trong nước và trên thế giới.

Thành phố biết từ chối những cơ sở công nghiệp có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường, và lần đầu tiên xuất hiện ở đây slogan "Xanh Sạch Đẹp" như một tiêu chí của thành phố đáng sống.

Tôi chỉ được ở 4 năm thời Đà Nẵng còn rất vất vả, nên vô cùng ngạc nhiên khi thành phố hóa thành con thiên nga xinh đẹp bơi nhẹ nhàng trên sông Hàn.

Nhưng nếu ai hỏi tôi thích nhất điều gì khi sống ở Đà Nẵng từ năm 1976 tới cuối năm 1979, xin trả lời ngay, tôi thích nhất những người bạn và những tình bạn thân thiết tới bây giờ, dù hiện tại, chỉ còn nhà văn Thái Bá Lợi là bạn chí cốt từ ngày ấy vẫn sống và sáng tác tại Đà Nẵng.

Số phận đã cho tôi được sống ở nhiều nơi. Nhưng Đà Nẵng và Trại sáng tác Quân khu 5 đã làm nên "cái thằng tôi" như bây giờ. Tôi phải biết ơn thành phố và trại sáng tác ấy chứ, phải không ạ?

Bây giờ, sống ở Quảng Ngãi không xa Đà Nẵng bao nhiêu, đi cao tốc bằng ô tô chỉ mất hơn 2 giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn ra Đà Nẵng chơi với Thái Bá Lợi, và nhìn ngắm gương mặt thành phố này tiếp tục đổi thay.

Du khách tham quan sông Hàn ở Đà Nẵng

Nếu Huế là một cô gái đẹp dịu dàng, thì Đà Nẵng là một chàng trai có vẻ đẹp mạnh mẽ đầy nam tính. Hai thành phố này bổ sung cho nhau, và đều là 2 thành phố mà tôi yêu mến. Huế là quê vợ tôi.

Đã có và đang hoạt động đoàn tàu du lịch nối Huế và Đà Nẵng, được ca ngợi là đoàn tàu 5 sao, rất văn minh lịch sự và phù hợp với người đi du lịch muốn thăm viếng cả Huế và Đà Nẵng.

Cũng nên tìm hiểu vì sao khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc đều rất yêu thích Đà Nẵng. Có những thời điểm khách sạn Đà Nẵng hết phòng vì khách đặt trước. Một thành phố du lịch mà đạt được chuẩn "hết phòng khách sạn" là một thành phố hạnh phúc.

Có một "son đỏ" thêm cho Đà Nẵng, là dù rất đông khách du lịch, nhưng giá cả sinh hoạt ở đây không hề đắt đỏ. Trả tiền một bữa ăn với bạn bè cũng khá dễ chịu. Người đi du lịch rất quan tâm đến câu chuyện giá cả này.

Có một thời chưa xa, khách du lịch Trung Quốc mua rất nhiều món quà, chủ yếu là thực phẩm, ở chợ Hàn. Họ khen quà rẻ mà ngon. Khách du lịch Trung Quốc phần nhiều là người lớn tuổi, được con cháu bao tiền đi du lịch Đà Nẵng, nên họ tiêu tiền khá rộng tay. Bà con buôn bán ở chợ Hàn rất thích khách Trung Quốc là vì vậy.

Nói về Đà Nẵng thì còn nhiều chuyện, nhưng tính cách một thành phố bắt đầu từ tính cách những con người là công dân thành phố ấy. Người Đà Nẵng sống cởi mở, chân tình, thì thành phố họ sống cũng như vậy.

Đà Nẵng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của nước ta, nằm tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Đây là trung tâm kinh tế, du lịch, văn hóa, giáo dục, khoa học… nổi trội của khu vực miền Trung.

Trong mắt người Việt Nam, Đà Nẵng là một thành phố du lịch biển xanh - sạch - đẹp, và nơi đáng sống, là mơ ước của nhiều người.

Đơn vị hành chính: 6 quận (Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ) và 2 huyện (Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa).

Đà Nẵng hiện là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước, đạt 87,7% năm 2018. Dân số của Đà Nẵng theo tổng điều tra năm 2019 khoảng hơn 1,1 triệu người, trong đó dân số nam 576.000 người (chiếm 50,7%) và dân số nữ hơn 558.000 người (chiếm 49,3%).

Thái Thanh (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm