Phóng sự - Ký sự

Chống lãng phí: Quyết liệt, có địa chỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết "Chống lãng phí".

Bài viết khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chính sách, pháp luật về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.

Hưởng ứng bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, từ số này, báo Tiền Phong khởi đăng loạt bài: Chống lãng phí - Quyết liệt, có địa chỉ”. Tuyến bài nhằm nhận diện, làm rõ các dạng thức lãng phí nổi lên hiện nay như: Lãng phí nguồn lực đầu tư; Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước; Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; Lãng phí cơ sở vật chất; Lãng phí nguồn nhân lực... Từ đó, đề xuất các giải pháp chống lãng phí hiệu quả, thực chất.

Bài 1: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng sau 10 năm vẫn “đắp chiếu”

Bệnh viện Bạch Mai được đầu tư 4.990 tỷ đồng, trong khi Bệnh viện Việt Đức được đầu tư 4.968 tỷ đồng. Cả hai bệnh viện này đều nằm ở TP Phủ Lý, Hà Nam. Tuy nhiên sau 10 năm khởi công xây dựng, đến nay cả 2 bệnh viện này vẫn trong tình trạng “đắp chiếu” vì chưa thể đưa vào sử dụng.

Cảnh hoang vắng tại cơ sở nghìn tỷ

Năm 2014, thực hiện Quyết định số 125 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án xây dựng 5 bệnh viện và viện tuyến cuối tại TPHCM đã được phê duyệt. Ngay sau đó, ngày 24/12/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ra Quyết định 5266 và 5268 về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức - cơ sở 2.

Bệnh viện Bạch Mai không bóng người. Ảnh: M.Đ
Bệnh viện Bạch Mai không bóng người. Ảnh: M.Đ

Bệnh viện Việt Đức dự kiến có quy mô 1.000 giường nội trú, phục vụ khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích xây dựng lên đến hơn 125.000m2, bao gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi, tổng mức đầu tư là 4.968 tỷ đồng. Tương tự, Bệnh viện Bạch Mai cũng khởi công vào cuối năm 2014, với tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh nội trú, đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, trên tổng diện tích hơn 123.000m2, gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi.

Để hiện thực hóa quyết định này, lễ khởi công xây dựng Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở 2 đã diễn ra vào tháng 12/2014 tại tỉnh Hà Nam. Hai bệnh viện này có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Tại lễ khởi công, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, tình trạng quá tải bệnh viện đã kéo dài, với tỷ lệ giường bệnh trên mỗi vạn dân còn thấp so với khu vực. Dân số tăng khoảng 900.000 người mỗi năm và mô hình bệnh tật đang thay đổi, trong khi đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức sẽ trở thành những bệnh viện hiện đại nhất, được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cảnh hoang tàn tại Bệnh viện Việt Đức dù chưa đưa vào khai thác sử dụng. Ảnh: M.Đ
Cảnh hoang tàn tại Bệnh viện Việt Đức dù chưa đưa vào khai thác sử dụng. Ảnh: M.Đ

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai được xây dựng trên diện tích hơn 20 ha, với tổng diện tích sàn là 119.952m2. Giai đoạn 1 dự kiến khánh thành vào tháng 12/2016, và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2017. Mục tiêu xây dựng cơ sở này là tạo ra một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh với đội ngũ cán bộ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, nhằm điều trị các bệnh nặng ở các chuyên khoa sâu như tim mạch, ung bướu, thận tiết niệu và hô hấp.

Đến tháng 10/2018, Bộ Y tế đã tổ chức lễ khánh thành khu khám bệnh thuộc dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức - cơ sở 2 tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Hai công trình này được kỳ vọng sẽ giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Buổi lễ có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các lãnh đạo liên quan.

Khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đây là những bệnh viện hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương và hạn chế việc người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh. Hai bệnh viện này được thiết kế theo hướng thân thiện với bệnh nhân, tạo sự tiện nghi và hỗ trợ quá trình hồi phục. Sau khi hoàn thành, người dân sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngay tại Hà Nam. Bà Kim Tiến khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án và đảm bảo vận hành hiệu quả để phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Kể từ khi khánh thành vào năm 2018, Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai - cơ sở 2 đã đi vào hoạt động được 6 năm. Tuy nhiên, khi tiến gần khuôn viên Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai - cơ sở 2, điều đầu tiên đập vào mắt là sự vắng lặng kỳ lạ. Những hành lang rộng rãi chỉ vang vọng tiếng bước chân của bảo vệ, nền gạch bong tróc và rêu phủ, tạo cảm giác tiêu điều. Các phòng bệnh trống trải không bóng người, chỉ còn lại sự lạnh lẽo. Đặc biệt, cổng vào Bệnh viện Việt Đức đã được dựng hàng rào, không còn thấy bóng dáng bảo vệ nào.

Tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, nơi từng được trưng dụng làm khu cách ly cho bệnh nhân COVID-19 vào năm 2020, giờ đây cũng trở về trạng thái xuống cấp.

Tạm dừng triển khai do chủ đầu tư thay đổi thiết kế?

Tính đến đầu năm 2020, khối lượng thi công tại Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành khối lượng thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị đạt 2.795 tỷ đồng trên tổng giá trị hợp đồng 2.855 tỷ đồng, tương đương khoảng 97,8% giá trị hợp đồng. Tổng giá trị đã giải ngân là 2.575 tỷ đồng trên 4.990 tỷ đồng, đạt 57,2% tổng nguồn vốn được giao. Đối với Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, khối lượng thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị ước tính đạt 2.470 tỷ đồng trên tổng giá trị hợp đồng 2.862 tỷ đồng, tương ứng khoảng 86,3% giá trị hợp đồng. Tổng giá trị đã giải ngân là 2.507 tỷ đồng trên 4.968 tỷ đồng, đạt 55,7% tổng nguồn vốn được giao. Tuy nhiên các dự án này đã phải tạm ngừng triển khai từ giữa năm 2020.

Các nhà thầu cho rằng nguyên nhân dự án chưa được đưa vào sử dụng là do chủ đầu tư thay đổi thiết kế, dẫn đến dự toán thi công (không bao gồm dự phòng) tăng đáng kể so với giá hợp đồng ban đầu, dù tổng mức đầu tư không vượt quá. Cụ thể, Gói thầu XDBM-01 dự kiến tăng 22%, Gói thầu XDVĐ-01 tăng 20%, Gói thầu XDBM-02 tăng 22,8%, và Gói thầu XDVĐ-02 tăng 41%.

Riêng Gói thầu XDVĐ-01, sau 8 lần điều chỉnh từ chủ đầu tư, diện tích thi công đã tăng lên 139.204m2, hơn 20.000m2 so với diện tích ban đầu trong hồ sơ mời thầu (117.714m2).

Khó khăn lớn nhất hiện nay tập trung vào hai gói thầu xây lắp khối nhà chính: Gói thầu XDBM-01 trị giá 1.990 tỷ đồng và Gói thầu XDVĐ-01 trị giá 2.000 tỷ đồng. Một số nhà thầu cho rằng, hồ sơ mời thầu thiếu thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, nên không có khối lượng công việc và dự toán chi tiết. Trong khi đó, phần xây dựng của Gói thầu XDBM-01 và XDVĐ-01 được mời thầu theo khối nhà, nên không có khối lượng và đơn giá gốc.

Bất động trước “tối hậu thư”

Để khắc phục những vướng mắc, Bộ Y tế đã điều chỉnh thời gian thực hiện hai dự án đến hết ngày 31/12/2024. Trong Chỉ thị số 06 ngày 15/2/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan và địa phương hoàn thành xử lý các dự án trong quý I/2024. Nếu có vấn đề vượt thẩm quyền, cần báo cáo lên cấp có thẩm quyền.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm thuộc Bộ Y tế, cùng các bộ ngành và nhà thầu, đã tổ chức nhiều cuộc họp để rà soát và thương thảo. Mặc dù một số vấn đề đã được thống nhất, nhưng vẫn còn nhiều điểm tranh cãi, đặc biệt liên quan đến hai gói thầu xây lắp chính: Gói thầu XDBM-01 (1.990 tỷ đồng) và Gói thầu XDVĐ-01 (2.000 tỷ đồng).

Theo Minh Đức (TPO)

Có thể bạn quan tâm