Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ 1: Từ làng Wâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới đây, chúng tôi có dịp về thăm làng Wâu và làng Ktu thuộc xã Chư Á, TP. Pleiku. Theo cảm nhận của chúng tôi, tiềm năng và thế mạnh của 2 ngôi làng ở vùng đất phía Đông Nam thành phố này dường như vẫn còn bỏ ngỏ.

Nếu được quy hoạch, đầu tư có trọng điểm thì làng Wâu và làng Ktu (xã Chư Á, TP. Pleiku) sẽ là điểm đến thu hút du khách và phát triển theo hướng hiện đại, giàu bản sắc.

Đến làng Wâu, hỏi bà con Bahnar Gơlar nơi này, không mấy ai còn nhớ chuyện lập làng ngày trước. Anh Klil-người phụ trách văn nghệ và trực tiếp hướng dẫn đội cồng chiêng của làng-chia sẻ: Cha anh có kể lại rằng, làng Wâu ngày trước là 2 làng khác nhau nhưng chỉ có 1 nhà rông ở bên làng Wâu. Những ngày lễ hội cộng đồng, 2 làng đều đem lễ vật đến ngôi nhà chung này cúng Yàng và chung vui, ăn uống, đánh cồng chiêng… Lâu dần, người dân 2 làng tự nguyện nhập chung làm một và cái tên làng Wâu của cộng đồng Bahnar tồn tại cho đến ngày nay.

Hiện làng có khoảng 278 hộ với hơn 1.300 khẩu. Cũng theo anh Klil, khoảng một nửa người dân trong làng theo đạo Công giáo, còn lại là đạo Tin lành.

lang-wau-nhin-tu-tren-cao-anh-hung-hoa-lu-bg.jpg
Làng Wâu nhìn từ trên cao. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Chúng tôi có mặt ở nhà Trưởng thôn A Trăng, nơi gần cánh đồng Ia Bồ khá sớm. Trên đường đi, chúng tôi gặp một số thiếu niên đi gỡ bẫy chuột đồng ở ruộng về, chân còn lấm bùn đất, gương mặt rạng rỡ vì chuột dính bẫy khá nhiều. Cánh đồng Ia Bồ rộng hàng chục héc ta vừa mới thu hoạch xong, nhà nhà phơi lúa, rơm rạ còn ngổn ngang trong sân vườn.

Người dân làng Wâu kể rằng: Ngày xưa, khi chung quanh còn những cánh rừng rậm rạp, ông cha họ còn đi săn bắt được con thú lớn, đời sống của người Bahnar nơi đây còn dựa vào săn bắt, hái lượm, chưa biết làm ruộng nước, trồng rau màu như ngày nay. Bây giờ, rừng chỉ còn lại trong ký ức những người già, còn lũ trẻ hiện chỉ còn biết vui với thú đi bẫy chuột đồng.

Ngôi nhà cấp 4 theo kiến trúc hiện đại của vợ chồng trẻ A Trăng-Mlê khá rộng rãi. Có thể gọi đây là cặp đôi trí thức của làng Wâu vì cả 2 đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Hai người gặp nhau thời sinh viên. Anh A Trăng (người Xê Đăng) ở Kon Tum lấy Mlê rồi về ở rể quê vợ. Giờ thì A Trăng đã hiểu rõ phong tục, tập quán người Bahnar nên được người làng Wâu tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn.

Để tăng thu nhập cho gia đình, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm định hướng bà con Bahnar trong làng cải tạo vườn tạp, trồng hoa màu cải thiện đời sống, gia đình A Trăng thuê hơn 1 ha đất (40 triệu đồng/năm) bên làng Ktu để trồng hoa màu theo thời vụ. Hôm chúng tôi đến thăm vườn, anh đang thuê người thu hoạch lứa đậu cô ve, đồng thời tiếp tục trồng khổ qua để chuẩn bị xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Làng Wâu được TP. Pleiku và xã Chư Á chọn làm điểm để xây dựng làng nông thôn mới cách nay khoảng 8 năm và “cán đích” vào năm 2019. Làng được quy hoạch khá hiện đại, đường sá thông thoáng, sạch sẽ. Các khu dân cư bố trí theo khu vực ô bàn cờ; nhà ở đa phần là nhà trệt, tường gạch, lợp tôn, có vườn trồng cây ăn quả và hoa màu.

Hầu như gia đình nào cũng làm lúa nước, nhà ít nhất cũng được một vài sào, thường là lúa 1 vụ. Thời gian còn lại, bà con thâm canh rau, đậu. Những gia đình khá giả có vườn cà phê, hồ tiêu… Nhờ biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất mà dân làng Wâu đã đủ ăn, đủ mặc, nhiều gia đình khá giả, có tích lũy. Số hộ nghèo giảm mạnh. Hiện làng còn 4 hộ nghèo vì hoàn cảnh neo đơn và bệnh tật, thường xuyên được cộng đồng quan tâm giúp đỡ.

Từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, làng Wâu chú trọng đến việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống như: nhà rông, cồng chiêng, đan lát và dệt thổ cẩm… Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay được học hành và tiếp thu nền văn hóa hiện đại nên phai nhạt dần với những di sản của cha ông.

Ngôi nhà rông văn hóa của làng Wâu được đầu tư xây dựng mới với vật liệu tôn, xi măng, có tường rào, cổng ngõ nhưng dường như chỉ là một mô hình để trưng bày mang tính hình thức; nó không còn chức năng là nhà làng của cộng đồng để sinh hoạt lễ hội hàng năm; nơi lưu giữ những vật thiêng của dân làng; không còn là nơi trai tráng đến ngủ, canh gác; nơi các già làng tụ hội bàn bạc những vấn đề quan trọng của làng hay truyền dạy cho thế hệ trẻ về truyền thống của dân tộc.

Riêng nghề dệt thổ cẩm và đan lát, làng Wâu cũng không còn nhiều nghệ nhân thành thạo và việc tiêu thụ sản phẩm cũng là vấn đề nan giải. Chúng tôi đến thăm nghệ nhân Buk đan gùi trong làng. Ông cặm cụi đan những chiếc gùi nhỏ khá xinh xắn và đem bỏ hàng ở một số tiệm mỹ nghệ trên phố (giá mỗi chiếc gùi 200 ngàn đồng).

Rồi chúng tôi ghé thăm nhà bà H’Rai, người dệt thổ cẩm Bahnar có tiếng của làng Wâu. Nhưng sản phẩm của bà chỉ tiêu thụ trong cộng đồng làng. Khi có người đặt hàng, bà mới dệt theo yêu cầu… Đội cồng chiêng của làng đã được khôi phục và truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhưng chưa tham gia biểu diễn ở các lễ hội lớn của địa phương.

laychuan-logo-ban-sac-va-hien-dai.jpg

Có thể bạn quan tâm