Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Đà Nẵng ứng dụng mạnh CNTT trong cải cách thủ tục hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, ông Võ Duy Khương, bí quyết để Đà Nẵng đạt được kết quả khả quan trong CCTTHC là nhờ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) mạnh mẽ. Do đó, trong năm 2011, 99,2% hồ sơ tại các cấp đã được giải quyết sớm và đúng hẹn.

Hướng đến mô hình xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, lãnh đạo TP. Đà Nẵng luôn đặc biệt quan tâm điều hành công tác cải cách hành chính (CCHC) theo tiêu chí nhanh gọn, thông thoáng, giảm tối đa phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Nhờ vậy, công tác CCHC tại Đà Nẵng đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Những nỗ lực được ghi nhận

Có mặt tại bộ phận “Một cửa” của UBND quận Thanh Khê, chúng tôi không chỉ ngạc nhiên trước bảng niêm yết TTHC cùng các hướng dẫn làm thủ tục cặn kẽ, mà còn bất ngờ trước việc ứng dụng CNTT trong CCHC công rất hiện đại, từ máy lấy số thứ tự, hệ thống tra cứu trạng thái hồ sơ bằng màn hình cảm ứng thông qua mã số hồ sơ, mã vạch. Như vậy, hồ sơ sẽ được người dân theo dõi qua từng bước, kiểm tra được những điểm nào vướng và có cơ sở phản hồi với cơ quan công quyền.

 

Chị Đỗ Thị Xuân Thu (28 tuổi, giáo viên trường THPT Thái Phiên, quận Thanh Khê) đang làm giấy tờ tách thửa (tách đất), cho biết: “Như ngày trước, những thủ tục này rất rườm rà. Nhưng hiện nay, khi được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ phụ trách, công việc khá suôn sẻ. Tôi chỉ đến nộp hồ sơ và đợi vài ngày sau thì đã hoàn tất. Tính minh bạch của bộ hồ sơ được quản lý chặt chẽ, thể hiện công khai, cán bộ công chức thụ lý hồ sơ cũng có trách nhiệm hơn”.

Đi thực tế từ các sở, ngành, quận đến tận phường, chúng tôi đều chứng kiến mức độ hài lòng của người dân khi thực hiện các công việc liên quan đến TTHC công so với trước đây.

Về kết quả này, ông Võ Duy Khương cho biết, đó là nhờ từ năm 2001-2010, toàn TP đã tiến hành rà soát 3.170 TTHC. Từ đó, đã đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa 2.479 thủ tục, trong đó giảm 57 thủ tục thuộc thẩm quyền của TP khi thực hiện Đề án 30 của Chính phủ. Đưa tổng số TTHC trên toàn TP hiện nay còn 1.221 thủ tục.

Đồng thời, TP đã thực hiện cơ chế một cửa đồng bộ ở cả 3 cấp: 20/20 cơ quan chuyên môn cấp TP, 7/8 quận huyện và 56/56 phường xã và 1 số đơn vị Trung ương cũng triển khai tại Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Hải quan.

Cơ chế “Một cửa liên thông” triển khai đã kết nối được giữa quận huyện và xã phường. Đồng thời mở rộng đến các ngành như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Ban quản lý KCN-KCX.

Các nội dung hướng dẫn về giải quyết TTHC như thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết công việc, thời gian, phí và lệ phí, số điện thoại của lãnh đạo đều được niêm yết công khai tại các nơi thụ lý hồ sơ. Các nội dung này cũng được công khai hóa tại 100% ở website chuyên ngành của 3 cấp, thuận tiện để nhân dân tra cứu.

Các quận huyện trên địa bàn TP đã triển khai thực hiện mô hình “Một cửa điện tử” trong tiếp nhận và giải quyết TTHC. Các xã phường cũng ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ một cửa, một cửa liên thông và đạt nhiều kết quả rõ nét.

Hiện Đà Nẵng đang thí điểm mô hình 1 cửa điện tử (Sở GTVT), phường điện tử (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) để có kinh nghiệm, từ đó, nhân rộng trong thời gian tới.

Giúp doanh nghiệp thêm lợi thế cạnh tranh

Ông Trần Đình Thành- Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (quận Cẩm Lệ) nhận xét, TTHC nhiêu khê chính là điểm vướng cho hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp gia công xuất khẩu, làm doanh nghiệp mất tính cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Từ năm 2007 đến nay, phía TP nói riêng và các chính sách của bộ ngành nói chung đã tháo gỡ cho doanh nghiệp rất nhiều. Nếu trước đây khi thực hiện kê khai các thủ tục xuất nhập khẩu phải ký rất nhiều văn bản giấy và hồ sơ liên quan thì nay đã cải tiến kê khai thông quan điện tử đã giảm thiểu thủ tục ký sao lục các văn bản chứng từ, thời gian thực hiện chỉ cần 5-10 phút là hoàn thiện hồ sơ so với 5-10 tiếng hay có khi tới hơn 10 ngày trước đây. Điều này sẽ đảm bảo thời gian xuất nhập hàng hóa qua cảng, hạn chế thái độ nhũng nhiễu của cán bộ hải quan.

Việc hoàn thuế lúc trước từ 5-6 tháng nay chỉ còn 2-3 tháng, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn quay vòng tái sản xuất.

Còn ông Phạm Văn Bình- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bình Vinh (quận Liên Chiểu) thì cho rằng tại các sở, ngành đều có bộ phận 1 cửa, giải quyết công việc rất nhanh chóng với các màn hình rõ ràng có thể kiểm tra thông tin hồ sơ của mình. Đây thực sự là bước đột phá so với những năm trước đây. Hơn nữa, thời gian cũng đã rút ngắn rất nhiều. Nếu như giấy đăng kí kinh doanh phải đợi từ 7-10 ngày mới nhận được thì nay chỉ còn 3-5 ngày.

Đặc biệt, tại sở Kế hoạch-Đầu tư và cục Thuế đã chấp nhận mã số thuế chính là mã số đăng kí kinh doanh của doanh nghiệp đã góp phần đơn giản hóa các thủ tục cho doanh nghiệp”.

Tới thời điểm này, ông Bình thực sự hài lòng với những cải cách TTHC của Đà Nẵng. Tuy nhiên, ông cũng hy vọng, các cơ quan chức năng sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công hơn nữa, để doanh nghiệp ở bất cứ đâu cũng có thể giải quyết các hồ sơ cần thiết thông qua hệ thống trực tuyến. Như vậy sẽ giảm thiểu tối đa thời gian, công sức cho doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

Ông Võ Duy Khương cho biết, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong cộng đồng, hướng những người dân Đà Nẵng trở thành công dân điện tử.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng dự kiến sẽ chuyển giao cho các thành phần ngoài khu vực công đảm nhận những dịch vụ hành chính mà nhà nước không cần thiết quản lý để nâng cao chất lượng phục vụ.

Đồng thời, TP cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến mục tiêu 90% các cơ quan hành chính nhà nước các cấp thực hiện văn phòng điện tử; giảm thiểu giấy tờ giao dịch hành chính, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý giữa các cấp; xây dựng cách thức điều hành trực tuyến.

Theo Chinhphu.vn
 

Có thể bạn quan tâm