Du lịch

Đặc sản cá nhét sông Sê San

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi Tây Nguyên vừa kết thúc mùa mưa cũng là lúc hàng đàn cá nhét ngược dòng sông Sê San lên thượng nguồn tìm chỗ sinh nở. Những con cá nhét mình tròn căng được người dân vùng biên giới huyện Ia Grai đánh bắt về chế biến thành nhiều món ăn ngon, độc đáo.
Theo chân anh Siu Tuyến (làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai), chúng tôi có chuyến lên thượng nguồn sông Sê San, giáp ranh với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Giữa dòng nước mênh mông, anh Tuyến phải đi hơn 1 giờ đồng hồ mới chọn được khúc sông ưng ý, có nhiều phiến đá nhỏ để đặt phên lồ ô chặn ngang dòng nước. Khi cá bơi ngược dòng sẽ mắc vào phên này. Sau khi bắt được cá nhét, anh đem phơi ngay trên phiến đá giữa sông.
“Muốn bắt được nhiều thì chọn thời điểm đặt phên lúc chiều tối, đến sáng sớm thì gỡ phên. Mình ăn không hết thì phơi khô để dành. Cá phơi đủ 3 nắng thì bỏ vào ống lô ô cất giữ, có thể dùng trong 2 năm. Không chỉ là thức ăn ngon trong bữa cơm hàng ngày, món cá nhét còn dùng trong những buổi tiệc quan trọng như: bỏ mả, mừng lúa mới…”-anh Tuyến cho hay.
Anh Siu Tuyến đã có kinh nghiệm đánh bắt và làm cá nhét hơn 20 năm. Ảnh: Ngọc Thu
Anh Siu Tuyến (xã Ia O, huyện Ia Grai) đã có kinh nghiệm đánh bắt và làm cá nhét hơn 20 năm. Ảnh: Ngọc Thu
Hiện nay, ông Ksor Suối (60 tuổi, ở làng Bi) vẫn giữ thói quen lên thượng nguồn sông Sê San mỗi mùa cá nhét về. Ông chia sẻ: “Mình đánh bắt quanh năm nhưng thích nhất là mùa cá nhét. Cá nhét nấu canh ăn rất ngon. Trên gác bếp nhà mình cũng như nhiều gia đình khác trong làng lúc nào cũng có vài ống lồ ô cá khô để ăn dần”.
Cũng theo ông Suối, cá nhét có thể chế biến thành nhiều món ngon, đơn giản nhất là dằm với ớt để ăn cơm hay nấu với cà đắng lá mì. Đặc biệt, món cá nhét phơi khô đem nướng có mùi thơm khó cưỡng. Cá nhét ống lồ ô có vị ngọt của cá, lại nhân nhẩn đắng xen lẫn vị mặn mà của muối cùng mùi nồng đậm tạo nên món ăn đặc trưng, hấp dẫn.
Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O: “Chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng hóa chất tận diệt nguồn cá. Đồng thời, khuyến khích người dân nuôi trồng các loài cá tự nhiên. Đối với các hộ dân đánh bắt, chế biến cá nhét, chúng tôi tạo điều kiện để họ trao đổi, buôn bán, sử dụng trong các lễ hội, góp phần gìn giữ một món ăn đặc trưng của người Jrai”.
Đối với người Jrai, cá nhét là món ăn thân thuộc khiến ai đi xa cũng nhớ. Chị Puih Sên chia sẻ: “Ông bà, bố mẹ mình đánh bắt cá nhét nên mình đã quen thuộc với hương vị món ăn này. Vào những ngày se lạnh, chỉ cần có món cá nhét nướng cùng chút muối lá é và nồi cơm gạo rẫy ăn cùng gia đình, nghe mọi người nói chuyện rôm rả đã cảm thấy đủ đầy. Thỉnh thoảng đi đâu xa, mình nhớ mùi vị cá nhét da diết”.
Người Jrai ở huyện Ia Grai đã đưa cá nhét sông Sê San trở thành món ăn dân dã đặc trưng. Ảnh: Ngọc Thu
Người Jrai ở huyện Ia Grai đã đưa cá nhét sông Sê San trở thành món ăn dân dã đặc trưng. Ảnh: Ngọc Thu
Dòng sông Sê San đã mang lại cho người dân vùng biên nhiều loài cá đặc sản, trong đó có cá nhét. Từ thiên nhiên, người Jrai đã chế biến loài cá nhỏ bé này thành món ăn dân dã quen thuộc, gắn liền với cuộc sống của biết bao thế hệ. Thế nhưng giờ đây, để bắt được nhiều cá hơn, một số người đã dùng xung điện, hóa chất, đánh thuốc… Cùng với đó, việc ngăn dòng xây dựng thủy điện đã làm giảm số lượng cá nhét trên dòng Sê San. Hình ảnh từng đàn cá nhét bơi ngược dòng trắng xóa cả một khúc sông đã trôi vào dĩ vãng.
Nhìn ra dòng sông Sê San sóng sánh nước, anh Tuyến không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối: “Ngày trước, cá bơi từng đàn có đến hàng vạn con, nổi trắng cả khúc sông. Vào mùa cá thì ngày nào cũng bắt được mấy gùi mà không cần phải tìm nhiều nơi đặt phên. Nhưng giờ thì có khi cả ngày mới được 1 gùi. Cá nhét ít nên giờ mình chỉ dùng khi có khách quý hoặc dịp lễ hội mới mang ra ăn”. 
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm