Đại biểu Quốc hội đã phải sử dụng những cụm từ “đau đớn thay, phẫn nộ thay” để nói về tình trạng trẻ em bị xâm hại.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) - Ảnh: Quochoi.vn
Quốc hội dành cả ngày hôm nay 27-5 họp toàn thể trực tuyến để thảo luận báo cáo giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em". Các đại biểu phát biểu đầu tiên đã nghẹn ngào khi đề cập đến vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết khi tiếp xúc cử tri, ai cũng bức xúc, rùng mình, căm phẫn, đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh các đối tượng xâm hại trẻ em, không thể để chúng nhởn nhơ ngoài xã hội.
Theo đại biểu Phương, cần áp dụng thêm biện pháp "thiến sinh học" với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em. Đây là biện pháp đã được một số nước áp dụng đối với tội phạm ấu dâm.
Ông cũng đề nghị các phương tiện truyền thông và cộng đồng khi đưa tin, nêu về các trường hợp trẻ em bị xâm hại tránh nêu tên, tuổi, địa chỉ cụ thể vì sẽ gây tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến tương lai của nạn nhân bị xâm hại.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) - Ảnh: Quochoi.vn
"Băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực"
"6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, tính trung bình cứ một ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại; xâm hại tình dục chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em", đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) phân tích số liệu.
"Rất đau xót khi phải dẫn ra thông tin Hà Nội là địa phương đứng đầu về số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong (13 em); TP.HCM dẫn đầu về số trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục (86 em)".
Đáng nói, "những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội... lại là những nơi ngày càng gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em và chúng ta chứng kiến sự băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực khi những vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái không còn là cá biệt", bà Hiền nói.
Đại biểu Hà Nam cũng nhận định dù các địa phương đang phải ban hành văn bản để triển khai 11 chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhưng sự quan tâm, đầu tư lại chưa đúng tầm.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) phản ánh việc nhiều bậc cha mẹ thiếu chăm sóc, quan tâm, chia sẻ về sức khỏe tình dục với trẻ em. Khi con em bị xâm hại lại ngại khai báo kịp thời với cơ quan công an dẫn đến khó điều tra, xử lý vụ việc do để thời gian lâu nên khó giám định. Một số trường hợp gia đình tự thỏa thuận với đối tượng xâm hại trẻ em…
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Ảnh: Quochoi.vn
Sử dụng mạng xã hội xâm hại tình dục trẻ em: SOS
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) thì dành trọn thời gian phát biểu để phân tích tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng xã hội. Với sự phát triển của Internet, trẻ em đã sớm trở thành "công dân mạng", tham gia rất nhiều hoạt động trên mạng, hấp thụ cả những ảnh hưởng tốt và chịu chi phối cả những mặt tiêu cực trên mạng.
"Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh trẻ em bị xâm hại, trong đó phần lớn là xâm hại tình dục, được tung lên mạng xã hội", bà Thủy nêu. Thủ đoạn mà các kẻ xấu thường sử dụng là thiết lập các phòng chat ảo, dùng nhiều thủ thuật để lôi kéo, dụ dỗ trẻ em như cùng chia sẻ vấn đề trẻ quan tâm, giả làm người cùng giới để trò chuyện...
Sau khi đã gây được thiện cảm với trẻ, chúng bắt đầu chia sẻ, cho các em xem phim khiêu dâm, hướng dẫn đóng phim, rồi cuối cùng sử dụng chính hình ảnh đó để đe dọa, ép buộc các em gặp ngoài đời thực, ép quan hệ tình dục...
Phản ứng trước tình trạng này, nhiều bậc phụ huynh lại phòng ngừa bằng cách cấm con sử dụng mạng xã hội hoặc kiểm soát chặt mỗi khi con em tham gia mạng xã hội. Đây không phải là biện pháp tốt.
Từ các dẫn chứng và phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị các bậc cha mẹ cùng với nhà trường có các chương trình, nội dung để hướng dẫn, giáo dục cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tham gia mạng xã hội, trong đó có các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng chống xâm hại nói chung và chống xâm hại tình dục nói riêng.
Đồng thời, Bộ Công an phải có các phương án đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả với loại tội phạm này.
LÊ KIÊN (TTO)