Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về việc bảo vệ thông tin cá nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10-8, tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến tới 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Chủ trì phía đầu cầu Gia Lai có bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Cùng dự còn có ông Đỗ Tiến Đông-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Tấn
Các đại biểu Quốc hội tỉnh theo dõi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Tấn


Phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Do thời gian chất vấn không nhiều, nội dung chất vấn của hai lĩnh vực có phạm vi rất rộng, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác chất vấn và trả lời chất vấn, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát chủ đề chất vấn để đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không né tránh, đúng trọng tâm, đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả khả thi cho cả trước mắt và lâu dài để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực, vấn đề, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước…

Theo đó, trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an, như: Công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng-chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, bà Siu Hương-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai-cho rằng: Việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định nhưng hiện nay tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này rất phổ biến. Tôi xin lấy đơn cử như các thông tin quảng bá đều đưa thông tin cá nhân, nhìn về quy mô đó chỉ là một chủ thể nhưng xét về tổng thể sự vi phạm là rất lớn. Vậy Bộ trưởng có những giải pháp gì đối với tình trạng này?

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Síu Hương chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quang Tấn
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quang Tấn


Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương và hoạt động của các tập đoàn, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập thông tin cá nhân; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về cung cấp, quản lý hồ sơ cá nhân, dữ liệu cá nhân và người dân, nhất là tâm lý sẵn sàng đánh đổi thông tin đời tư, thông tin cá nhân để lấy sự tiện ích về mặt công nghệ. Bộ cũng tham mưu Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị chủ trương ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, coi đây là giải pháp then chốt để phòng ngừa, đấu tranh với thực trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an một số vấn đề được dư luận và cử tri quan tâm như: việc đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng internet; giải pháp đấu tranh, xử lý tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; việc quản lý, hạn chế tình trạng cá cược trên không gian mạng; ngăn chặn hành vi gây mất an ninh trật tự, an toàn trên không gian mạng…

Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ, báo cáo thêm về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, sau khi Quốc hội ban hành các nghị quyết liên quan đến công tác phòng-chống tội phạm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, pháp lý để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định nhằm phê duyệt Chương trình Phòng-chống mua bán người giai đoạn 2021-2025; phê duyệt Chương trình về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng-chống tội phạm trong tình hình mới; chương trình phòng-chống ma túy giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó là các chỉ thị về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các văn bản của Đảng, Quốc hội, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác phòng ngừa tội phạm một ở một số địa phương còn để xảy ra phạm tội có tính chất nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: “Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng-chống tội phạm. Trong đó, tiếp tục xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng-chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân”.

Ngoài ra, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp; Thông tin và Truyền thông, Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Thượng tướng Trần Quang Phương-Phó Chủ tịch Quốc hội-cho biết, Công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng-chống tội phạm, quản lý dân cư là những vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh con người, đến đời sống, tính mạng và tài sản của Nhân dân, liên quan đến trật tự, kỷ cương của Nhà nước và xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.


Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực của Bộ Công an đã có 27 đại biểu đăng ký và có 26 đại biểu phát biểu, 11 đại biểu phát biểu tranh luận. Phiên chất vấn đã diễn ra rất sôi nổi với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Các đại biểu đặt câu hỏi đi thẳng vào nội dung, tích cực tranh luận, làm rõ những vấn đề được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm. Với tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời hết những chất vấn và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian tới.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an tích cực chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Đảng, Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà các đại biểu Quốc hội đã đề cập, Chính phủ, các bộ, ngành nói chung, Bộ Công an nói riêng đã đề ra cũng như kết luận của Chủ tịch Quốc hội về phiên chất vấn và trả lời chất vấn, để tạo sự chuyển biến thật sự trong thực tế.

Chiều nay, các đại biểu sẽ tập trung vào nhóm vấn đề văn hóa, thể thao và du lịch thuộc lĩnh vực của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Cụ thể, việc thực hiện chính sách pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; các nhiệm vụ giải pháp kích cầu phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành Du lịch; công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di sản lịch sử quốc gia, bao gồm công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, khai thác, phát huy giá trị di tích, góp phần giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và đạo đức ứng xử, bao gồm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách...

 

QUANG TẤN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về việc bảo vệ thông tin cá nhân ảnh 3
 

Có thể bạn quan tâm