Giáo dục

Tuyển sinh

Đại học Ngoại thương tuyển hơn 4.000 chỉ tiêu năm 2024 theo 7 phương thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
5Trường Đại học Ngoại thương vừa công bố Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 với chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển, phương thức xét tuyển cụ thể cho từng ngành/nhóm ngành đào tạo.
Thí sinh dự thi để xét tuyển vào các trường đại học. (Ảnh: TTXVN)

Thí sinh dự thi để xét tuyển vào các trường đại học. (Ảnh: TTXVN)

Trường Đại học Ngoại thương vừa công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2024. Theo đó, trường tuyển 4.130 chỉ tiêu cho cả ba cơ sở đào tạo là Hà Nội, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, tại trụ sở chính Hà Nội, trường tuyển 3.080 chỉ tiêu cho 13 ngành/nhóm ngành đào tạo. Tại cơ sở Quảng Ninh, trường chỉ tiêu 100 chỉ tiêu cho hai ngành/nhóm ngành đào tạo. Chỉ tiêu cho cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh là 950 sinh viên cho 5 ngành/nhóm ngành đào tạo.

Trong đề án tuyển sinh, Trường Đại học Ngoại thương công bố chỉ tiêu cụ thể của từng ngành/nhóm ngành theo từng phương thức tuyển sinh khác nhau.

Trường có 7 phương thức tuyển sinh.

Phương thức 1 xét tuyển dựa trên kết quả học tập Trung học phổ thông dành cho thí sinh tham gia/đạt giải kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia hoặc Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp môn xét tuyển của trường; đạt giải (nhất, nhì, ba) kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12; thí sinh thuộc hệ chuyên của trường Trung học phổ thông trọng điểm quốc gia/Trung học phổ thông chuyên.

Phương thức 2 xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập Trung học phổ thông/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên.

Phương thức 3 xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024.

Phương thức 4 xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024.

Phương thức 5 xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trong năm 2024.

Phương thức 6 là xét tuyển thẳng theo định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phương thức thứ 7 là phương thức xét tuyển đặc thù cho ngành Kinh tế chính trị. Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất, giới thiệu tối đa 5 thí sinh, gồm hai đối tượng là thí sinh hệ chuyên và không chuyên. Trường có quy định chi tiết về điều kiện xét tuyển với thí sinh. Thí sinh được giới thiệu phải cam kết thể hiện mong muốn quay trở lại làm việc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn giới thiệu sau khi tốt nghiệp.

Trường xét tuyển theo các tổ hợp A00, A01, D01, D07, D06, D04, D03. Việc sử dụng các tổ hợp có sự khác nhau giữa các ngành/nhóm ngành.

Thông tin chi tiết xem tại đây.

Có thể bạn quan tâm