Đô thị

Không gian sống

Đak Djrăng chú trọng xử lý môi trường chăn nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) rất quan tâm xử lý chất thải chăn nuôi nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Gia đình bà Trần Thị Thúy (thôn Linh Nham) nuôi trên 50 con dê sinh sản nên lượng chất thải khá nhiều. Sau khi được Hội Nông dân xã hướng dẫn, bà đã đổ bê tông nền chuồng để lót vỏ cà phê. Bên ngoài khu vực chuồng nuôi, bà xây một hố lớn để chứa chất thải. Cứ mỗi tháng 1 lần, bà thu gom chất thải về hố chứa, sau đó ủ với men Trichoderma để xử lý. “Nhờ được bê tông và lót vỏ cà phê nên chất thải, đặc biệt là nước thải của đàn vật nuôi không bị chảy tràn ra khu vực xung quanh. Phân dê sau khi ủ đem bón cho cây trồng cho năng suất vườn cây cao hơn nhiều so với trước”-bà Thúy chia sẻ.

 Ông Trần Văn Dũng (thôn Linh Nham) đã đổ bê tông nền chuồng và lót thêm cỏ khô, vỏ cà phê để thu gom, xử lý chất thải. Ảnh: Hồng Thương
Ông Trần Văn Dũng (thôn Linh Nham) đã đổ bê tông nền chuồng và lót thêm cỏ khô, vỏ cà phê để thu gom, xử lý chất thải. Ảnh: Hồng Thương


Cũng với cách làm này, mỗi tháng, gia đình ông Trần Văn Dũng (thôn Linh Nham) thu gom gần 4 tấn phân thải ra từ đàn dê 70 con. Để hạn chế ảnh hưởng của chất thải ra môi trường, ông Dũng đã đổ bê tông phần nền chuồng kết hợp tận dụng vỏ cà phê để lót sàn. Ngay sau khu vực chuồng nuôi, ông cũng xây một bể chứa chất thải và thực hiện ủ phân bằng men Trichoderma. “Phương pháp xử lý này hạn chế được mùi hôi từ chất thải. Đặc biệt, nhờ có lượng phân này đã giúp cho gia đình tiết kiệm hơn 25 triệu đồng tiền mua phân bón cho vườn cà phê mỗi năm”-ông Dũng cho hay.

Tại làng Brếp, 72 hộ chăn nuôi bò đều lót rơm, vỏ cà phê trên nền chuồng để thu gom phân và ủ bằng men Trichoderma. Ông Vốt-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Brếp-cho biết: Năm 2011, sau khi được Hội Nông dân xã tập huấn quy trình xử lý chất thải chăn nuôi, tôi đã đổ bê tông nền chuồng, tận dụng rơm và vỏ cà phê để lót lên cho bò nằm. Cứ 3 ngày một lần, tôi thu gom phân vào bể xử lý, sau đó ủ theo liều lượng 1 kg men Trichoderma/5 tấn phân. Cách làm này vừa hạn chế mùi hôi cũng như nấm bệnh gây hại cho đàn bò vừa thu gom được phân bón cho cây trồng. “Trước đây, đa phần bà con trong làng nuôi bò dưới gầm nhà nên phân bị phóng uế bừa bãi vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Sau khi được tập huấn, các hộ dân đã di dời chuồng trại ra xa nhà ở, xây bể hoặc đào thêm hố chứa để xử lý chất thải bằng men vi sinh. Đặc biệt, nhờ lượng phân này mà giảm đáng kể chi phí mua phân bón, năng suất vườn cà phê đạt 15-20 kg quả tươi/cây”-ông Vốt khoe.

Trao đổi với P.V, ông Trần Đức Tiến-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho hay: Toàn xã có gần 1.300 con bò, 2.000 con dê, hơn 6.000 con heo và 200 con thỏ. Để đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, hàng năm, Hội Nông dân xã phối hợp với cán bộ chuyên môn và các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân di dời chuồng trại ra xa khu vực nhà ở. Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn cho bà con quy trình thu gom, xử lý chất thải trong chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiều hộ đã sử dụng vôi và men Trichoderma để ủ phân nên giảm đáng kể mùi hôi cũng như các mầm bệnh gây hại cho đàn gia súc. Nguồn phân hữu cơ được tạo ra từ quy trình xử lý này giúp tiết kiệm chi phí, năng suất cây trồng tăng lên.

 

 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm