Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho rằng, các doanh nghiệp ngoại tỉnh khi đầu tư các dự án kinh tế ở địa phương phải tạo công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số...
Ngày 8.1, Tập đoàn Xuân Thiện (tỉnh Ninh Bình) đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ Đắk Lắk nhằm bàn bạc, xin chủ trương được đầu tư xây dựng "Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm công nghệ cao và Logistics Xuân Thiện Đắk Lắk".
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk chỉ đạo buổi làm việc. Ảnh: Bảo Trung |
Dự án kể trên dự kiến sẽ áp dụng công nghệ hàng đầu thế giới về sản xuất nông nghiệp; chế biến thực phẩm nhằm thúc đẩy, nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản cho ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của nước nhà nói chung.
Xây dựng khu hậu cần (logistics) nhằm kết nối chuỗi giá trị nông sản, thúc đẩy phát triển hàng hóa bằng đường bộ, đường hàng không và hoạt động xuất nhập khẩu, trung chuyển hàng hóa của TP.Buôn Ma Thuột và cả khu vực Tây Nguyên. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này là hơn 20.000 tỉ đồng.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Bảo Trung |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường, nhận định: "Tỉnh Đắk Lắk hoan nghênh Tập đoàn Xuân Thiện đã có ý định đầu tư các dự án tiềm năng vào địa phương. Đề nghị các sở ban ngành liên quan phối hợp nghiên cứu, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư triển khai đúng theo trình tự, quy định của pháp luật.
Tỉnh đồng ý cho Tập đoàn Xuân Thiện nghiên cứu, triển khai dự án nhưng phải tiến hành các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo tiến độ thực hiện với lãnh đạo tỉnh. Bởi, địa phương muốn phát triển thì trước hết phải tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp và nhất là phải giảm thiểu những thủ tục hành chính rườm rà, cứng nhắc".
Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Bảo Trung |
Thời gian tới, đề nghị các đơn vị liên quan rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án lớn ở tỉnh. Nếu doanh nghiệp nào chậm đầu tư, triển khai dự án thì sẽ thu hồi để giao cho đơn vị khác có năng lực làm vì mục đích tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các địa phương, sở, ban ngành với doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Các dự án khi triển khai phải tạo công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo sự đồng thuận tuyệt đối giữa người dân với doanh nghiệp lẫn chính quyền, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk nhấn mạnh.
BẢO TRUNG (LĐO)