Những năm gần đây, nhiều hộ dân tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh trồng các loại cây ăn quả theo hai hình thức chuyên canh và xen canh. Điều này đã làm tăng diện tích nhiều cây ăn quả, trong đó nhiều nhất là bơ và sầu riêng, dễ dẫn đến các hệ lụy về sau.
Diện tích trồng sầu riêng, trồng bơ liên tục tăng
Mùa mưa năm nay, gia đình ông Nguyễn Chí Lân, thôn Quảng Lợi, xã Nghĩa Thắng (Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) trồng thêm 20 cây bơ trong vườn cà phê.
Theo ông Lân, mỗi cây bơ có giá 35.000 đồng, nên ông chỉ mất khoản giống là 700.000 đồng tiền vốn, nhưng nếu phát triển tốt thì khoảng 4 - 5 năm sau bơ sẽ cho thu nhập khá lớn. Cũng với suy nghĩ như ông Lân, những năm gần đây, nhiều hộ dân đã đẩy mạnh trồng bơ, làm cho diện tích cây trồng này liên tục tăng cao.
Một số hộ dân trồng bơ booth tại thôn 7, xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) thất bại do tỷ lệ đậu quả thấp |
Theo anh Hoàng Xuân Hậu, bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), trước đây gia đình chỉ trồng hơn 1 ha cà phê, nhưng năm được mùa năm mất, nên thu nhập bấp bênh. Để hạn chế được rủi ro, tăng thu nhập, anh Hậu đã sản xuất theo hướng đa dạng, xen canh bơ vào cà phê. Từ năm 2015 - 2016, gia đình anh trồng bơ và đến nay bắt đầu cho thu hoạch.
Thống kê của Sở NN PTNT, năm 2018, diện tích bơ của tỉnh là 1.537 ha. Đến cuối năm 2019, ước diện tích bơ của tỉnh Đắk Nông gần 3.800 ha, đạt hơn 134% so với kế hoạch năm. Sản lượng bơ năm 2019 trên 15.000 tấn. Thực tế, hai năm gần đây, khi sản lượng bơ của nông dân nhiều, giá bơ cũng đã bị đẩy xuống. Điều này là đương nhiên khi cung vượt quá cầu.
Không chỉ bơ, sầu riêng cũng là cây trồng có diện tích tăng cao trong những năm gần đây. Năm 2018, tỉnh có 1.502 ha sầu riêng, đến cuối năm 2019 đã tăng lên 3.260 ha, bằng 114% so với kế hoạch năm. Sản lượng sầu riêng năm 2019 toàn tỉnh đạt 17.941 tấn.
Tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung cầu
Theo nhiều nông dân cũng như ngành Nông nghiệp tỉnh, quá trình trồng sầu riêng dễ bị sâu bệnh tấn công, khó đậu hoa, đậu quả. Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), người có kinh nghiệm trồng sầu riêng hơn 15 năm nay cho biết: “Sầu riêng rất dễ bị các bệnh như rầy trắng phá hoại, nhất là khi cây đang ra đọt non. Khi có quả thì phải phòng ngừa rệp sáp từ đất lên bám vào quả. Cây sai quá cũng dễ bị chết đứng”.
Người dân không nên tăng mạnh diện tích trồng bơ, trồng sầu riêng... |
Trong điều kiện chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hiện nay, nhiều người trồng bơ cũng gặp thất bại, nhất là các loại bơ booth, hass, red.
Về thị trường tiêu thụ, do tăng diện tích, sản lượng, nên cũng đã cho thấy một số khó khăn. Anh Nguyễn Danh Chiến, người có hơn 10 năm thu mua bơ, sầu riêng tại phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cho biết: "Về sản phẩm trái cây, tôi cũng như nhiều tiểu thương trên địa bàn tỉnh thu mua chủ yếu xuất bán cho bạn hàng các tỉnh, thành phố khác trong nước và đi Trung Quốc...".
Theo anh Chiến, hình thức vẫn là bán tươi, bán xô chứ không qua sơ chế, chế biến gì nên được mùa thì giá xuống thấp, dễ bị ép giá, ngưng trệ. Điển hình như những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid bùng phát, lây lan, hàng hầu như “không chạy.
Sản lượng lớn nhưng tiêu thụ chậm và ảnh hưởng Covid-19 nên giá bơ năm 2020 bị đẩy xuống. Ảnh: Thu mua bơ tại một đại lý ở thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông). |
Từ thực trạng trên, ngành chức năng, các địa phương khuyến cáo, nhà nông không nên ồ ạt tăng mạnh diện tích mà phát triển vừa phải, chú ý các bước chọn giống, phòng bệnh đúng cách để bảo đảm cây phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.
Sản phẩm sầu riêng và bơ đều có thời gian thu hoạch ngắn, dễ bị “dội chợ”, nên bà con cần chú ý tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ qua các đại lý, chợ đầu mối, hệ thống phân phối hiện đại nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Tỉnh Đắk Nông cũng đang xúc tiến các hoạt động để quảng bá sản phẩm, kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp.
Hồng Thoan (Báo Đắk Nông/Dân Việt)