Văn hóa

Đak Pơ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Bia Chăm Tư Lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 5-4, tại hội nghị sơ kết công tác quí I năm 2023 của huyện Đak Pơ, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Bia Chăm Tư Lương cho UBND huyện Đak Pơ.
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Bia Chăm Tư Lương cho UBND huyện Đak Pơ. Ảnh: Ngọc Minh

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Bia Chăm Tư Lương cho UBND huyện Đak Pơ. Ảnh: Ngọc Minh

Trước đó, ngày 28-11-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long đã ký Quyết định số 642/QĐ-UBND xếp hạng Bia Chăm Tư Lương (thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ) là di tích cấp tỉnh. Di tích có tổng diện tích 229 m2; trong đó khu vực 1 là 72 m2, khu vực 2 là 157m2.

Theo các nhân chứng hiện sinh sống tại thôn Tư Lương, sau năm 1960, trong khi phát cây làm nương rẫy, người dân địa phương đã phát hiện hòn đá có tạc ký hiệu lạ nên gọi là “đá chữ”. Từ giữa năm 2010, tên gọi “bia Chăm/bia đá Chăm” bắt đầu được nhắc đến trên mạng xã hội và trong một số bài báo chính thống.

Đầu năm 2018, được UBND tỉnh Gia Lai cho phép, thông qua Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, sự hỗ trợ của Văn phòng EFEO tại Hà Nội, huyện Đak Pơ đã mời GS.TS Arlo Griffiths-chuyên gia về bia ký Champa từ EFEO và một đồng nghiệp của ông là bà Khom Sreymom (Bảo tàng Quốc gia Campuchia) đến làm việc tại thôn Tư Lương.

Theo các nhà khoa học, bia Chăm Tư Lương (thôn Tư Lương, huyện Đak Pơ) vốn thuộc Vương quốc Champa trong quá khứ. Ảnh: Ngọc Minh

Theo các nhà khoa học, bia Chăm Tư Lương (thôn Tư Lương, huyện Đak Pơ) vốn thuộc Vương quốc Champa trong quá khứ. Ảnh: Ngọc Minh

Theo các nhà khoa học, bia Chăm Tư Lương vốn thuộc Vương quốc Champa trong quá khứ. Hiện vật là một minh chứng về sự xuất hiện của đế chế này trên Cao nguyên và mối quan hệ với quốc gia Đại Việt, ít nhất đến cuối thế kỷ XV.

Bia đá Chăm Tư Lương là một tảng đá granit tự nhiên, cao khoảng 2,2 m. Vì lý do nền nhà bia được đổ bê tông, láng xi măng vào năm 2018 nên độ cao của bia đá hiện chỉ còn đo được 1,62m, tính từ nền nhà đến vị trí cao nhất của tảng đá. Nhìn thoáng qua, bia gần giống hình tam giác với các cạnh không đều nhau.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ đề nghị UBND xã Tân An cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân bảo vệ di tích; cải tạo, bảo tồn, đầu tư làm đường bê tông dẫn đến khu di tích, phát triển di tích thành điểm du lịch thu hút khách đến tham quan, tìm hiểu...

Có thể bạn quan tâm