Như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, cúng tất niên hay lễ trừ tịch là nét văn hóa độc đáo, tốt đẹp. Bởi trải qua một năm tất bật, bôn ba, nay được hạnh ngộ người thân, gặp lại bạn bè, tay bắt mặt mừng, chúc nhau sức khỏe, thành đạt, mừng nhau đón xuân sum vầy.
Một năm đi qua với biết bao thăng trầm. Có giấc mơ chưa thành, có tiếc nuối chưa thể xóa nhòa, nhưng cũng có những niềm vui, yêu thương mãi nhớ. Tất cả đọng lại, như từng dòng ký ức ghi vội trong cuốn sổ cuộc đời. Những thời khắc ấy như dòng chảy ký ức cứ đong đầy, ngân mãi trong mỗi người.
Và dẫu cho ai đó quan niệm, cúng kiếng cầu kỳ thì hầu như ở mỗi nếp nhà, các bà, các mẹ vẫn giữ gìn nét truyền thống quen thuộc, nhớ để làm và làm để nhớ, để là dịp họ được trổ tài nữ công gia chánh. Bởi không có một không gian nào có thể trưng bày hay tái hiện được những thời gian qua đi như thế.
Khoảnh khắc thắp nén nhang thơm đầu tiên, lòng tôi bỗng chùng xuống, như gợi về những ngày tháng đã qua, những ký ức vừa mới đây. Một năm đầy những thăng trầm, vui buồn, giờ đây được gói gọn trong phút giây đứng trước lễ nghi thành kính. Trong làn khói hương nghi ngút, hình ảnh những người thân đã khuất như thân thương quanh đây.
Và trong bữa cơm tất niên nhất định không thể thiếu tô canh khổ qua, nồi gà kho măng khô, tô bún miến dong nấu xương... Gương mặt ai cũng rạng rỡ niềm hạnh phúc tươi vui. Tôi thường dừng thật lâu và ấn tượng trước những hình ảnh về ngày tất niên được bạn bè liên tục chia sẻ trên mạng xã hội với những câu chuyện khác nhau, nỗi niềm cũng rẽ nghiêng theo tâm trạng.
Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, lễ cúng tất niên không chỉ gợi lên không khí sum vầy, mà còn mang theo bao tâm tình lắng đọng. Ngày xưa, cúng tất niên thường được tổ chức vào chiều hoặc tối 29, 30 tháng Chạp.
Ngày nay, vì những lý do khác nhau, nhiều gia đình lại tổ chức tất niên sớm hơn. Dẫu thời gian khác nhau thì lễ cúng này cũng góp phần giáo dục hiếu nghĩa, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở người trẻ nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà, tổ tiên.
Sau lễ cúng tất niên, mọi người bắt đầu chuẩn bị cho lễ cúng Giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch. Người ta làm làm lễ trừ tịch tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới. Có trừ tịch thì mới có nguyên đán-một buổi sáng khơi nguồn cho năm mới.
Đó là khi mọi ngõ ngách của thời gian như được phủ lên một lớp áo thiêng liêng, lòng người chợt sâu lắng bồi hồi. Không gian dường như lắng lại, từng hơi thở của đất trời cũng trở nên chậm rãi, dịu dàng. Đây là lúc mà tôi đối diện với chính mình, để suy tư về năm cũ và nghĩ về năm mới.
Đêm trừ tịch, cha tôi thường đặt những thức cúng lên bàn thờ gia tiên, thắp hương tưởng niệm, khấn vái, rước ông bà về nhà cùng con cháu vui xuân. Các ngày tiếp theo, cúng cơm cho đến hết Tết (bây giờ chỉ cúng từ mùng 1 đến hết mùng 3). Khói hương nghi ngút bay lên từ những bàn thờ tổ tiên, mang theo lòng thành kính và những lời cầu mong giản dị.
Tôi vẫn luôn thích giây phút ngồi bên bậc thềm, ngẩng lên nhìn bầu trời đêm. Một vài ngôi sao lấp lánh trên nền trời đen thẳm. Hiện lên trong tôi đó là hình ảnh gia đình quây quần bên ấm trà chờ đón Giao thừa.
Tôi vẫn nhớ từng hộp giấy màu vàng, hình vuông gói trà thương hiệu Bàu Cạn. Tôi thương bàn tay cha rót trà, má và anh em tôi tay nhận ly trà rồi háo hức hớp từng ngụm thật nhẹ nhỏ. Khói trà bốc lên phủ mờ khuôn mặt anh em tôi. Cha chậm rãi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện của ngày trước.
Bây giờ, cha đã khuất, má tôi vẫn giữ nếp xưa. Tôi ngồi bên má, bên chén trà đang tỏa hương ngào ngạt. Phải chăng cái đắng đót của búp trà kia hòa trong niềm hạnh phúc, lắng đọng thời gian. Bây giờ thì tôi đã hiểu thế nào là nguồn cội, là thời gian thiêng liêng để mà trân quý.
Tôi nhớ đến câu thơ của Thiền sư Mãn Giác: “Xuân đi trăm hoa rụng/Xuân đến trăm hoa cười”. Ngụ ý rằng, hoa có nở thì hoa mới tàn! Xuân có đi thì xuân mới đến! Và xuân có đi thì ta mới thấy quý trọng thời khắc xuân đến cũng như vòng tuần hoàn thời gian. Và tôi cũng đang đến gần hơn với thời khắc thiêng liêng, bao hy vọng, chờ mong của sự tuần hoàn đó.