Đak Pơ: Hệ thống truyền thanh cơ sở gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đài truyền thanh cơ sở là phương tiện hữu hiệu để chuyển tải thông tin đến người dân một cách nhanh chóng. Thế nhưng, tại huyện Đak Pơ (Gia Lai), hệ thống đài truyền thanh cơ sở đang đứng trước nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất cũng như trang-thiết bị.
Năm 2018, Đài Truyền thanh xã Hà Tam được huyện Đak Pơ đầu tư hệ thống phát thanh đồng bộ với kinh phí 280 triệu đồng gồm: máy phát, hệ thống phát sóng, hệ thống thu tín hiệu, bộ lọc âm, hệ thống sản xuất tin bài và 15 cụm loa không dây đặt tại các thôn, làng. Ngoài tiếp sóng các chương trình của Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam..., Đài Truyền thanh xã Hà Tam cũng tự sản xuất bản tin phát thanh phản ánh các hoạt động của địa phương.
 Đài truyền thanh xã Hà Tam được đầu tư đồng bộ, có hệ thống phát thanh tin, bài về tình hình của địa phương. Ảnh: T.B
Đài truyền thanh xã Hà Tam được đầu tư đồng bộ, có hệ thống phát thanh tin, bài về tình hình của địa phương. Ảnh: T.B
Để sản xuất được một bản tin, xã Hà Tam đã chủ động thành lập ban biên tập do Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách, kiểm duyệt nội dung. Ban biên tập gồm 8 thành viên là đại diện các ban, ngành, đoàn thể của xã. Anh Nguyễn Anh Hùng-công chức văn hóa-xã hội phụ trách Đài Truyền thanh xã Hà Tam-cho biết: “Hệ thống truyền thanh ở xã được đầu tư đồng bộ đem đến rất nhiều thuận lợi. Ngoài tiếp sóng các chương trình phát thanh của Đài huyện, Đài tỉnh và Trung ương, việc chủ động sản xuất các bản tin đã giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất”.
Huyện Đak Pơ có 7 xã và 1 thị trấn nhưng mới chỉ có Đài Truyền thanh xã Hà Tam được đầu tư đồng bộ và tự sản xuất bản tin. Các xã Cư An, An Thành và thị trấn Đak Pơ chưa có hệ thống phát thanh riêng mà chỉ có các cụm loa lắp đặt cố định để tiếp sóng từ Đài huyện. Các xã còn lại mặc dù đã có hệ thống phát thanh nhưng đều xuống cấp, phải thường xuyên sửa chữa.
Đơn cử, xã An Thành có 2 thôn, 3 làng; địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung. Xã chưa có hệ thống phát thanh riêng mà chỉ được lắp đặt hệ thống cụm loa cố định để kết nối từ Đài huyện. Mỗi khi có việc cần thông báo đến người dân, anh Nguyễn Thành Nam, cán bộ văn hóa-xã hội xã An Thành, phải gọi điện thoại cho trưởng thôn, nếu không liên lạc được phải trực tiếp chạy xe máy đến tận làng tìm người để… truyền miệng. Sau đó, trưởng thôn tiếp nhận thông tin và gõ cửa từng nhà để thông báo. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác tuyên truyền. “Mong sao có một hệ thống phát thanh để chúng tôi chủ động trong việc tuyên truyền, thông báo tình hình của địa phương đến người dân. Lâu nay, việc thì nhiều mà luôn phải chạy đến từng làng để thông báo, rất bất tiện”-anh Nam chia sẻ.
Tình hình hoạt động của đài truyền thanh cơ sở ở các xã còn lại cũng gặp khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang-thiết bị kỹ thuật. Về nhân lực, cán bộ văn hóa-xã hội của xã kiêm nhiệm công tác quản lý, vận hành đài truyền thanh xã, do phải đảm đương nhiều công việc khác nhau nên công tác truyền thanh nhiều lúc chưa được hiệu quả. Ngoài ra, khung giờ phát sóng đều ngoài giờ hành chính nên những cán bộ văn hóa-xã hội ở xa phải đi sớm về muộn, rất nhiều vất vả trong khi phụ cấp chỉ được 75% lương cơ bản, không đủ chi tiêu.
Về cơ sở vật chất, một số đài truyền thanh ở cơ sở chưa có phòng riêng để đặt trang-thiết bị mà phải chung phòng làm việc với các ban ngành, đoàn thể khác. Hầu hết hệ thống đài truyền thanh cơ sở đều được đầu tư từ rất lâu nên không đồng bộ và xuống cấp; hệ thống loa truyền thanh ở các thôn, làng hư hỏng nhiều. Chính vì những khó khăn đó, hoạt động thông tin tuyên truyền nhiều lúc chưa đảm bảo.
Ông Phạm Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Pơ-cho biết: “Để nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác phát thanh, chúng tôi thường xuyên nhờ các cán bộ, phóng viên về tận các xã để hỗ trợ về mặt chuyên môn. Với những trang-thiết bị hư hỏng, kỹ thuật viên cũng đến tận nơi sửa chữa. Ủy ban nhân dân huyện Đak Pơ rất quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất cho các đài truyền thanh cơ sở, cấp kinh phí sửa chữa khi có hư hỏng. Năm 2019, UBND huyện đã đồng ý cấp kinh phí mua sắm trang-thiết bị phát thanh cho xã An Thành. Trung tâm cũng đề xuất cấp kinh phí mua sắm hệ thống này cho xã Cư An vào năm 2020”.
 
Theo Công văn số 359/HD-STTTT của Sở Thông tin và Truyền thông ngày 5-5-2017 thực hiện tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 thực hiện trên địa bàn tỉnh, xã có Đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn phải đáp ứng được các điều kiện sau: Các thiết bị truyền thanh vô tuyến được đầu tư mới phải hoạt động trong dải tần (54-68) MHz. Đối với đài truyền thanh không dây đang sử dụng phải đảm bảo các máy phát thanh không dây đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phải có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định. Đối với thiết bị đài truyền thanh hữu tuyến phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đáp ứng các yêu cầu quản lý đối với sản phẩm hàng hóa phục vụ công tác thông tin tuyên truyền. Ít nhất 2/3 số thôn, làng trong xã có hệ thống loa hoạt động.
 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm