Nỗ lực làm giàu
Gia đình bà Đoàn Thị Thanh Thủy (thôn An Định, xã Cư An) là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện năm 2024. Gắn bó với cây mía từ năm 2000 đến nay, bà Thủy đã sở hữu khối tài sản gồm 3 chiếc xe tải, hơn 10 ha mía và nhận đầu tư, thu mua mía cho 20 hộ dân trên địa bàn xã, mang lại doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng/năm.
Bà Thủy chia sẻ: “Năm 2000, gia đình chuyển đổi 3 ha mì kém hiệu quả sang trồng mía. Ban đầu, năng suất mía chỉ đạt 20-30 tấn/ha. Sau đó, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân huyện cùng cơ quan chức năng phối hợp với xã tổ chức. Nhờ vận dụng kiến thức học hỏi và đưa giống mía mới vào trồng nên năng suất mía tăng lên 70-90 tấn/ha, một số diện tích đạt 100 tấn/ha.
Tích góp tiền bán mía hàng năm, tôi tái đầu tư, mua đất sản xuất. Tôi cũng nhận đầu tư kinh phí không lấy lãi cho những hộ khó khăn thiếu vốn mua giống, phân bón; cuối vụ thì thu hồi vốn bằng cách thu mua mía. Tôi mua xe tải vận chuyển mía của gia đình và các hộ nhận đầu tư để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hiện gia đình tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên, 20 lao động thời vụ với tiền công 3-7 triệu đồng/người/tháng”.
Hàng năm, gia đình bà Đoàn Thị Thanh Thủy (bìa trái, thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ) thu nhập 1,5 tỷ đồng từ trồng mía và nhận đầu tư mía cho người dân. Ảnh: N.M |
Được chính quyền và Hội Nông dân xã Tân An vận động, năm 2013, ông Phạm Hữu Lợi (thôn Tân Hòa) đã chuyển đổi gần 3,4 ha rau màu kém hiệu quả sang trồng mía. Sau đó, ông chuyển 1,6 ha rau màu còn lại sang trồng bắp ngọt, dưa leo theo hướng VietGAP và lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt, phun sương, béc quay nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng cây trồng.
“Từ khi chuyển sang trồng bắp ngọt và dưa leo, thu nhập của gia đình tăng gần gấp đôi so với trồng các loại rau thông thường. Cộng với tiền bán mía, gia đình thu về gần 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí. Tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho 15 hội viên và giúp đỡ vốn, kỹ thuật trồng rau cho 5 hộ hội viên nghèo ở xã”-ông Lợi chia sẻ.
Đồng hành hỗ trợ hội viên
Hội Nông dân huyện Đak Pơ có 7.837 hội viên sinh hoạt ở 49 chi hội. Nhằm giúp các hộ hội viên có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, những năm qua, Hội Nông dân huyện đã nhận ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giúp hơn 1.700 lượt hội viên vay vốn với dư nợ 87,518 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội còn quản lý hiệu quả nguồn vốn hàng tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để cho hội viên vay; phối hợp với Agribank giải ngân hơn 200 tỷ đồng giúp nhiều hội viên nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.
Hội Nông dân huyện cũng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 2.157 lượt hội viên nông dân; đào tạo nghề cho hơn 560 hội viên nông dân.
Đến nay, toàn huyện có 35 hộ hội viên có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm, 273 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm, 341 hộ thu nhập từ 400 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/năm, 515 hộ thu nhập từ 300 triệu đồng đến dưới 400 triệu đồng/năm và 1.727 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng/năm.
Nhiều hội viên nông dân ở huyện Đak Pơ trở thành hộ khá và giàu nhờ tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” . Ảnh: N.M |
Về giải pháp đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lê Thành Công cho biết: Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ nông dân trong sản xuất kinh doanh; phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho hội viên nông dân để áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn đầu tư sản xuất; hướng dẫn, xây dựng các mô hình trang trại có hiệu quả tới hội viên nông dân; phối hợp với các nhà máy, doanh nghiệp đầu tư cũng như bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.