Huyện Ia Grai có 1.337 hộ dân tộc thiểu số đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Ảnh: T.N |
Ông Châu Tấn Lập-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai-cho biết: Toàn huyện có 131 chi hội thôn, làng, tổ dân phố, tổng số hội viên gần 14.900 người. Giai đoạn 2022-2024, Hội đã phối hợp với các ngành, đơn vị và các doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho gần 5.900 lượt hội viên, cử 700 hội viên tham gia các lớp tập huấn về kiến thức sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; xây dựng thương hiệu sản phẩm, mã vùng, chỉ dẫn địa lý; Chương trình mỗi xã một sản phẩm, các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phối hợp vận động gần 700 hội viên tham gia 26 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về nông nghiệp, phi nông nghiệp.
Cũng theo ông Lập, Hội đã phối hợp thành lập 15 nông hội với tổng số 375 thành viên, 12 tổ hợp tác với 270 thành viên ở nhiều lĩnh vực sản xuất. Hiện nay, huyện có 29 hợp tác xã nông nghiệp với gần 1.700 thành viên. Hội phối hợp với Công ty TNHH Sơn Huyền Phát vận động hội viên nông dân tham gia 28 tổ hội nghề nghiệp cà phê bền vững.
Ngoài ra, còn có 3 chi hội nghề nghiệp với 45 thành viên, 69 tổ hội nghề nghiệp với 1.133 thành viên. Từ năm 2022 đến nay, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện và cơ sở đã giải ngân hơn 2,5 tỷ đồng cho hơn 90 hội viên vay sản xuất, thông qua 11 dự án hỗ trợ nông dân tại các xã, thị trấn. Hội Nông dân huyện còn phối hợp thực hiện chương trình ủy thác, tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 2.900 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ hơn 130 tỷ đồng, thông qua 72 tổ tiết kiệm và vay vốn để sản xuất, chăn nuôi, giải quyết việc làm.
Vườn cây nhãn trĩu quả của nông dân xã Ia Tô huyện Ia Grai. Ảnh Thanh Nhật |
Được tạo điều kiện và hỗ trợ nhiều mặt nên số hộ nông dân đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tăng lên. Nếu năm 2022, toàn huyện có 5.670 hộ đăng ký tham gia thì năm 2024 có 8.125 hộ (tăng 43,3%). Phong trào phát triển mạnh ở thị trấn Ia Kha và các xã: Ia Dêr, Ia Pếch, Ia Tô, Ia Grăng...
Tiêu biểu như hội viên Puih H’Ani (làng Blang 1, xã Ia Dêr) với mô hình sản xuất kinh doanh 4,5 ha cà phê và xen canh cây sầu riêng, 6 sào lúa nước 2 vụ và chăn nuôi gia súc, gia cầm; doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 650 triệu đồng/năm. Thu nhập cao nên gia đình có điều kiện đầu tư tái sản xuất, lo cho con cái học hành, xây dựng nhà cửa khang trang.
Chị Puih H’Ani còn giúp 8 hộ hội viên nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn ở địa phương vay không tính lãi số tiền 60 triệu đồng. Chị nhiều lần được Hội Nông dân huyện tặng giấy khen, Hội Nông dân tỉnh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen.
Ông Châu Tấn Lập-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai: Toàn huyện có 4.458 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (1.337 hộ dân tộc thiểu số). Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp 125 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về vốn, cây-con giống, tạo việc làm cho 4.000 lao động thường xuyên và 6.000 lao động mùa vụ.
Còn hội viên Lê Văn Lực (thôn Thanh Bình, xã Ia Bă) thì làm giàu với mô hình sản xuất 5 ha cà phê và cây ăn quả, chăn nuôi. Lợi nhuận thu được hàng năm sau khi đã trừ chi phí đạt 800 triệu đồng. Gia đình ông còn đào ao trữ nước tưới và tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 8 lao động thời vụ.
Chị Phạm Thị Nguyệt (Chi hội Nông dân thôn 1, thị trấn Ia Kha) cũng là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi. Chị cho biết: “Gia đình canh tác 2,5 ha cà phê và có 3 nhà nuôi yến thương phẩm. Sản lượng cà phê nhân bình quân 11 tấn/năm, mô hình nhà yến diện tích 300 m2 mỗi năm đạt sản lượng bình quân 70 kg. Năm 2024, ước tính sản lượng cà phê nhân 15 tấn nhân, sản lượng yến khoảng 80 kg. Hàng năm, gia đình thu bình quân 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí”.
Làm ăn hiệu quả, gia đình chị Nguyệt cũng đã giúp vốn và vật tư sản xuất cho hộ nghèo, hộ khó khăn, góp kinh phí làm đường giao thông nội đồng, tạo việc làm cho 15 lao động tại chỗ.