Kinh tế

Nông nghiệp

Đak Pơ phát triển nhãn hiệu gắn với tiêu thụ sản phẩm rau củ quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm “Rau Đak Pơ”, huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã triển khai Dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn

Nhiều năm qua, Đak Pơ trở thành vùng chuyên canh rau củ quả lớn nhất tỉnh với diện tích hơn 7.000 ha, sản lượng rau bình quân 143 ngàn tấn/năm. Các sản phẩm rau củ của Đak Pơ cung cấp cho các tỉnh, thành phố như: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế…

Hiện nay, Hợp tác xã (HTX) An Trường Phát, HTX Nông nghiệp Tân An và Tổ sản xuất rau Tân An đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 15 ha. Các sản phẩm rau của huyện chủ yếu do HTX Dịch vụ vận tải Đak Pơ và HTX An Trường Phát cùng 65 cơ sở thu mua của người dân tại địa phương vận chuyển tiêu thụ.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Rau Đak Pơ”, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị thương hiệu. Từ năm 2023 đến nay, huyện đã triển khai Dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gắn với tiêu thụ sản phẩm rau.

Mục đích của dự án là thúc đẩy hình thành vùng chuyên canh rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ người dân, HTX và doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, liên kết sản xuất sản phẩm chủ lực đảm bảo cung cấp ra thị trường quanh năm.

Ông Ngọc áp dụng hệ thống tưới nước, bón phân nhỏ giọt. Ảnh: N.D

Ông Ngọc áp dụng hệ thống tưới nước, bón phân nhỏ giọt. Ảnh: N.D

Theo định hướng đến năm 2030, huyện Đak Pơ tiếp tục duy trì diện tích rau củ quả ổn định khoảng 6.800 ha; xây dựng vùng nguyên liệu rau an toàn tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc với diện tích khoảng 840 ha, sản lượng ước đạt 17.077 tấn/năm; hình thành vùng sản xuất rau an toàn tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, Organic và GlobalGAP với diện tích khoảng 50 ha.

Ông Nguyễn Minh Ngọc (thôn Tân Sơn, xã Tân An) cho biết: Với 1,2 ha đất, ông trồng các loại rau ăn lá, quả theo mùa. Mỗi năm, gia đình cung cấp ra thị trường 120-150 tấn rau quả. Khi tham gia Dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gắn tiêu thụ sản phẩm rau, ông thấy đây là hướng đi phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

“Hiện nay, dự án đã khảo sát, xây dựng bảng hiệu, logo, tem truy xuất nguồn gốc cho các hộ tham gia. Chúng tôi rất kỳ vọng việc tham gia dự án sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm rau”-ông Ngọc bộc bạch.

Còn ông Huỳnh Công Danh-Phó Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Đak Pơ thì cho hay: Cùng với hoạt động vận tải, HTX còn sản xuất rau để cung ứng ra thị trường. Dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gắn với tiêu thụ sản phẩm rau nhằm giúp người dân thay đổi tập quán canh tác theo hướng bền vững.

Là một trong những đơn vị tham gia thực hiện dự án, HTX được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, HTX được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, logo gắn trên các phương tiện vận chuyển và sản phẩm rau xanh của đơn vị. Đây là cơ hội để HTX và người dân phát triển rau theo hướng nâng cao giá trị và chất lượng, tăng thu nhập.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Mặc dù diện tích rau củ quả phát triển mạnh nhưng theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thì vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Nhiều người dân vẫn chưa quan tâm đến thương hiệu, nhãn hiệu nên ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của huyện.

Ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu “Rau Đak Pơ” là bước đột phá để tạo ra các sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng. Từ đó, người dân, HTX, doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu rau Đak Pơ trên thị trường.

Nông dân huyện Đak Pơ thu hoạch rau xanh. Ảnh: N.D

Nông dân huyện Đak Pơ thu hoạch rau xanh. Ảnh: N.D

“Để nhãn hiệu rau Đak Pơ phát triển bền vững, thời gian tới, các phòng, ban của huyện tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền, vận động người dân đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm rau củ quả; tham mưu UBND huyện các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm rau an toàn.

Bên cạnh đó, các HTX, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đak Pơ”; tăng cường xúc tiến thương mại sản phẩm rau, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn.

Huyện cũng sẽ bố trí kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và người dân tham gia mô hình quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đak Pơ”; hỗ trợ nông dân sản xuất rau củ quả trong điều kiện biến đổi khí hậu để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị trên thị trường”-ông Hơn thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm