Văn hóa

Đak Pơ phục dựng lễ hội Gầu Tào

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 29-2, tại làng Mông (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Đak Pơ tổ chức phục dựng lễ hội Gầu Tào (lễ hội mùa xuân) của cộng đồng dân tộc Mông trên địa bàn.
Các chàng trai, cô gái Mông trình diễn một tiết mục hát múa tại lễ hội. Ảnh: Lam Nguyên

Các chàng trai, cô gái Mông trình diễn một tiết mục hát múa tại lễ hội. Ảnh: Lam Nguyên

Từ xã Phi Hải (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng), một bộ phận đồng bào dân tộc Mông di cư đến sinh sống tại xã Ya Hội từ năm 1982. Sau hơn 40 năm định cư trên vùng đất mới, đến nay làng Mông có tổng cộng 158 hộ, 736 khẩu, chiếm hơn 22% dân số của xã.

Theo phong tục, mỗi dịp Tết đến xuân về, vào tháng Giêng Âm lịch, bà con người Mông tổ chức lễ hội Gầu Tào nhằm cúng tạ, cảm ơn trời đất và thần linh phù hộ, ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu, gia súc đầy chuồng.

Thầy cúng Lý Văn Tính (giữa) thực hiện nghi thức cúng làng. Ảnh: Lam Nguyên

Thầy cúng Lý Văn Tính (giữa) thực hiện nghi thức cúng làng. Ảnh: Lam Nguyên

Lễ hội Gầu Tào diễn ra trong 1 ngày, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có 3 nghi thức cúng (cúng lấy gánh nước đầu tiên, cúng làng và cúng thổ địa) do thầy cúng của làng đảm nhận với lời khấn: “Thần linh hãy về đây để chứng kiến. Chúng tôi có gà, có gạo, có trứng, có nhang để cúng cho các thần linh. Năm mới tới, các ông hãy phù hộ cho bà con dân làng, mọi người đều bình an vô sự, con cháu đầy nhà, mùa màng bội thu".

Người dân làng Mông hào hứng nhảy sạp trong phần hội. Ảnh: Lam Nguyên

Người dân làng Mông hào hứng nhảy sạp trong phần hội. Ảnh: Lam Nguyên

Kết thúc phần lễ, mọi người cùng tham gia phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống như: ném còn, trình diễn khèn, hát giao duyên, biểu diễn sáo, nhảy sạp, bịt mắt ăn mèn mén… và thưởng thức phần múa hát của các chàng trai, cô gái với những lời ca điệu múa ca ngợi quê hương đất nước.

Lần đầu tiên tổ chức phục dựng, lễ hội Gầu Tào đã góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn nét văn hóa tín ngưỡng vô cùng đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đak Pơ nói chung.

Có thể bạn quan tâm