Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Đăm Noi chiến đấu với “Thủy Tinh”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đăm Noi là một trong những hơamon (trường ca) của người Bahnar ở vùng Đông Nam Gia Lai được sưu tầm và xuất bản năm 1982, tái bản năm 1985.

Đọc hơamon này, cùng với khí chất anh hùng, tinh thần dũng cảm, chúng tôi còn cảm nhận rõ hình ảnh chiến thắng “Thủy Tinh” của cậu thiếu niên Đăm Noi.

Đăm Noi do nhóm nghiên cứu văn nghệ dân gian Tô Ngọc Thanh thuộc Viện Văn hóa phối hợp cùng Ty Văn hóa-Thông tin tỉnh Gia Lai-Kon Tum sưu tầm ở xã Ya Ma, huyện Kông Chro. Người kể trường ca Đăm Noi đầu tiên là nghệ nhân Đinh Mơl ở làng Srok, xã Ya Ma.

Nếu như các trường ca: Đăm San, Xing Nhă, Đăm Di… phác họa những hình tượng anh hùng dũng mãnh, là những tù trưởng giàu có, khát khao tự do, công lý đứng lên bảo vệ buôn làng, chống lại các thế lực hắc ám hay kẻ thù “hai chân” và “bốn chân”, đem lại sự phồn thịnh cho cộng đồng thì câu chuyện trong trường ca Đăm Noi có sự độc đáo riêng với sự xuất hiện của nhân vật chính là cậu thiếu niên Đăm Noi có khí chất anh hùng, dám đương đầu với các thế lực có sức mạnh như thần, dũng cảm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, bảo vệ buôn làng được bình yên.

Tái hiện không gian hát kể sử thi của người Bahnar. Ảnh minh họa: Hoàng Ngọc

Tái hiện không gian hát kể sử thi của người Bahnar. Ảnh minh họa: Hoàng Ngọc

Dưới con mắt của người mẹ-Bia Răk thì Đăm Noi “tính nóng như lửa không biết sợ ai, là con cháu của bok Kei Đei, ta không cho chúng đi đánh nhau với Drang Hạ-Drang Hơm vì nó còn nhỏ như con sóc mới sinh, nhỏ như con sâu mới lớn. Nhưng nó không nghe lời ta, không biết sẽ thế nào!”.

Còn Drang Hạ-Drang Hơm thì nổi tiếng có sức mạnh như thần: “Thân hình cao đụng trời xanh; rốn to bằng núm chiêng; mắt to bằng quả cà bát; mặt to bằng cái nong… Ông ta đã từng đi ăn người ở đường Jrai, đường Doăn, đường Chăm. Ai chẳng biết nghe tên ông, con cá tràu sông Ba phải chui xuống đất, con trăn lớn phải giật mình, con rồng thần phải nhổm dậy ngó xem”.

Có người sau khi đọc trường ca này thấy chú bé Đăm Noi chiến đấu không khoan nhượng với bọn hung dữ, có pháp thuật xâm chiếm buôn làng mình là Drang Hạ-Drang Hơm đã liên tưởng so sánh với hình tượng Phù Đổng Thiên Vương (truyền thuyết Thánh Gióng) của người Việt chống giặc Ân.

Nhưng câu chuyện Đăm Noi chưa dừng lại đó. Cậu bé thiếu niên này còn chiến đấu chống lại kẻ thù “bốn chân”, giải thoát cho dân làng khỏi họa “thủy thần”. Đó là bok Prao từ dưới đáy biển nổi lên: “Lão rung đùi, sóng biển đánh ào ào vào bờ, trong chốc lát nước ngập cả núi rừng… Lão làm cả một vùng bị chết lụt vì nước của lão”.

Ở đây, trước thế lực thiên nhiên nổi trận lôi đình, với tài ba của Noi “Thần núi cũng phải cúng/Thần nước cũng phải kiêng” nhưng cũng đành bất lực, than rằng “Sao bây giờ ta phải yếu như con nòng nọc, lại trần truồng như đuôi con cá thế này?”.

Nhưng điều kỳ diệu là Đăm Noi không đơn độc trong cuộc chiến đấu với kẻ thù mà được sự giúp sức của người thân và dân làng. Hai người dì của Noi khi nhìn thấy bok Prao dâng nước làm ngập buôn làng, cuốn phăng người như lá cây rừng rụng thì bay xuống dùng bảo bối chặt đùi bok Prao đứt phăng làm cho nước lụt cạn dần.

Nhưng bok Prao chưa chết hẳn. Đăm Noi lại tìm đến làng bok Prao để chiến đấu với lão và chấm dứt mối họa cho dân làng. Và 2 bên đánh nhau cho “đến khi nước biển mất, nước sông Ba cạn; đến khi núi cao thành đất bằng, đất bằng thành vực sâu”.

Đăm Noi càng đánh càng hăng và càng trưởng thành, tỏa sáng: “Giờ chàng đẹp tựa con ong vàng ong mật/Bụng chàng nhỏ như được người ta nén/Lưng chàng thon như thân cây đẽo/Mắt chàng đẹp như trăng ngày rằm/Chiếu sáng cả vùng chàng bước đi/Chàng nói một lời sấm chớp ầm ầm/Nói hai lời mưa đổ ào ào”.

Cuối cùng, Đăm Noi cũng đã khuất phục bok Prao bằng nhát gươm thần “quét núi cháy núi/quét rừng cháy rừng/quét nước cháy nước” làm cho Prao lìa đời và Noi cầm thân lão vứt xuống biển và gọi: “Hỡi cá sấu, mày hãy lên ăn Prao đi!”. Diệt kẻ thù xong, Đăm Noi trở về sum họp cùng lũ làng, gia đình và lấy nàng Bia Kơ Nhi xinh đẹp làm vợ.

Với hơamon Đăm Noi, người Bahnar muốn gửi vào đó khát vọng tự do, hòa bình với lý tưởng đẹp đẽ và tinh thần bất khuất, bồi đắp tình yêu quê hương, dũng cảm chống lại các thế lực hắc ám, bảo vệ chính nghĩa và buôn làng trước mọi thế lực xâm hại.

Qua đây, chúng ta cũng thấy, hình ảnh người Bahnar luôn sống hiền hòa với muôn loài nhưng cũng sẵn sàng chống chọi với sức mạnh của thiên nhiên đe dọa và ý thức đó giúp họ trường tồn với núi rừng và sông nước Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm