Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Dân chủ, đổi mới, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động Quốc hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các dự án luật được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Quang cảnh bế mạc kỳ họp thứ 8. (Ảnh: Phương Hoa/ TTXVN)
Quang cảnh bế mạc kỳ họp thứ 8. (Ảnh: Phương Hoa/ TTXVN)
Chiều 27/11, sau 28 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; với sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình nghị sự đã đề ra.
Kỳ họp tiếp tục ghi dấu sự đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Thông qua 11 luật, bộ luật
Là kỳ họp cuối năm 2019 - năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 8 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, xây dựng đất nước ngày càng đổi mới, phát triển nhanh, vững mạnh về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội.
Lập pháp là một trong những chức năng quan trọng cơ bản của Quốc hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực hiện chức năng đặc biệt này, trong nhiều kỳ họp gần đây, công tác xây dựng pháp luật ngày càng được thực hiện bài bản, rất nhiều luật có ý nghĩa, vai trò quan trọng đã được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý để đất nước phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, thông qua thông qua 11 luật, bộ luật; 17 nghị quyết; cho ý kiến về 10 dự án luật. Các dự án luật được xem xét, thông qua tại kỳ họp đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Một trong những nội dung được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm tại kỳ họp này là việc Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) - bộ luật liên quan mật thiết tới người lao động và có tác động sâu rộng tới nhiều mặt của đời sống xã hội.
Bộ luật gồm 17 chương, 220 điều với nhiều quy định mới, quan trọng, trong đó, lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với người làm việc không có quan hệ lao động; luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động của các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động; quy định cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động; nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp; các quy định về giải quyết tranh chấp lao động linh hoạt hơn, tạo thuận lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động...
Một trong những điểm sửa đổi đáng lưu ý và cũng là vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm đó là việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu. Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Điểm đáng chú ý nữa là Bộ luật Lao động đã sửa đổi, quy định Quốc khánh được nghỉ 2 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau).
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thêm một ngày nghỉ lễ vào trước hoặc sau ngày Lễ Quốc khánh là quyết định rất sáng suốt, thuyết phục của Quốc hội “để giúp người lao động cũng như gia đình có thời gian chăm sóc con cái, làm tốt hơn công việc gia đình."
Các dự án luật quan trọng: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Dân quân tự vệ; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được thảo luận, tiếp thu chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đã được các đại biểu thảo luận, thông qua tại kỳ họp này.
Quyết định nhiều vấn đề quan trọng
Tại kỳ họp này, việc thảo luận, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là nội dung thu hút sự quan tâm không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà còn của cử tri và nhân dân cả nước.
Đề án đã được thông qua với tỷ lệ tán thành cao, gửi gắm trong đó những tâm tư, mong muốn của đại biểu Quốc hội, của nhân dân trong việc tạo điều kiện để miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có cuộc sống ấm no, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển, giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn... Đề án xác định tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn với mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm trên 3%; phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%...
Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với ông Nguyễn Khắc Định; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến và bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với ông Hoàng Thanh Tùng. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định đạt sự đồng thuận cao.
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự Lễ bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: TTXVN)
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Trong đó, giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích Quốc gia. Đối với phương án huy động vốn, Nghị quyết quy định sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ; bảo đảm tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch của dự án...
Tài Kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét. Đây là Dự án quan trọng quốc gia với mục tiêu cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận...
Đi đến cùng vấn đề xã hội quan tâm
Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội luôn là nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước.
Trên cơ sở kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Các đại biểu Quốc hội đã phân tích, đánh giá sâu sắc để làm rõ kết quả đạt được, những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, trong hoạt động thực thi pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm yêu cầu Chính phủ tập trung thực hiện trong thời gian tới để khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hữu quan cũng như ý thức người dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung đặc biệt của mỗi Kỳ họp, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài ba ngày đã giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong công tác quản lý, điều hành, giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề xoay quanh 4 nội dung: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Nội vụ; Thông tin và Truyền thông.
Bốn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trần Tuấn Anh, Lê Vĩnh Tân, Nguyễn Mạnh Hùng và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các Bộ trưởng có liên quan đã trực tiếp tham gia giải trình thêm các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ thêm các nhóm vấn đề chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Nối tiếp những kết quả tích cực đã được ghi nhận, Kỳ họp thứ 8 tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, nhằm tăng tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường. Phương thức "hỏi nhanh-đáp gọn" tiếp tục được áp dụng và phát huy hiệu quả, mỗi đại biểu có một phút để nêu câu hỏi chất vấn, sau năm câu hỏi chất vấn thì người được chất vấn phải trả lời ngay, thời gian mỗi lần trả lời là ba phút.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu Bế mạc kỳ họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ba ngày chất vấn đã khẳng định hiệu quả của việc tiếp tục thực hiện đổi mới một bước cách thức chất vấn, giúp tăng số đại biểu hỏi, đồng thời tránh sự trùng lặp về nội dung.
Việc đổi mới cũng đặt ra đòi hỏi đối với các bộ trưởng, trưởng ngành phải nghiên cứu sâu sắc, nắm vấn đề chắc chắn để trả lời ngắn gọn, cô đọng, đi trực tiếp vào nội dung câu hỏi.
Tại các phiên chất vấn, gần 250 lượt đại biểu Quốc hội đã tham gia chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn hầu hết các câu hỏi đặt ra. Mặc dù Quốc hội đã dành ba ngày để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng vẫn còn nhiều đại biểu đặt câu hỏi mà các thành viên Chính phủ không có đủ thời gian để trả lời trực tiếp tại Hội trường. Điều này cho thấy các vấn đề Quốc hội lựa chọn để chất vấn thực sự "nóng," liên quan mật thiết tới đời sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá qua 8 kỳ họp phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành cũng như trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước cử tri, trí tuệ và năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường. Không khí cởi mở, dân chủ, đổi mới và tính chuyên nghiệp ngày càng cao trong hoạt động Quốc hội đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo nhân dân và cử tri cả nước.
Kỳ họp thứ 8 tiếp tục áp dụng công nghệ tiên tiến phục vụ hoạt động của Quốc hội. Tại kỳ họp, các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm hỗ trợ đại biểu. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc với phần mềm này, đại biểu Quốc hội được cung cấp thông tin về các nội dung đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội một cách nhanh chóng, kịp thời, giảm dần việc cung cấp tài liệu giấy để các đại biểu không còn phải “ôm” cả chồng tài liệu dày cộp vào các phiên họp. Đồng thời, phần mềm này cung cấp cho đại biểu hệ thống dữ liệu thông tin phong phú, đa chiều, có thể tra cứu thuận tiện và nhanh chóng, qua đó góp phần thiết thực nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và Quốc hội.
Những kết quả tích cực, nhiều mặt của Kỳ họp thứ 8 tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, không ngừng đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Quốc hội ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, các nghị quyết được thông qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, nơi gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước...
Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm