Văn hóa

Dân làng Đak Mong mừng lúa mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Sau nhiều năm gián đoạn, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) vừa phục dựng lễ mừng lúa mới của người Bahnar ở làng Đak Mong, xã Đak Krong. Đây là một trong những hoạt động nhằm khôi phục các giá trị văn hóa và khuyến khích cộng đồng gìn giữ di sản.

Cộng đồng ăn lúa mới

Khi những đám lúa rẫy thu về đầy kho, người Bahnar ở làng Đak Mong dành 1 ngày nghỉ ngơi để ăn lúa mới trước khi bước vào mùa thu hái cà phê. Sau nhiều năm gián đoạn, lễ ăn lúa mới vẫn được người Bahnar gìn giữ với đầy đủ nghi thức truyền thống.

Dưới cái nắng vàng óng của những ngày đầu mùa khô Tây Nguyên, bà Piar cùng những phụ nữ trong làng bận rộn chuẩn bị gạo mới, cốm mới để kịp dâng cúng thần linh. Bà Piar ngồi rang cốm bên bếp lửa trước nhà rông của làng. Còn những phụ nữ trẻ nhịp nhàng nhịp chày giã gạo. Những hạt gạo trắng ngà, thơm hương mới đổ đầy vào chiếc mủng nhỏ, đặt cạnh các lễ vật: rượu ghè, gà, lúa rẫy, cơm lam trước cây nêu. Lễ vật mang theo bao ước vọng no ấm của dân làng. Bà Piar cho biết: Nhiều năm rồi, làng không tổ chức lễ ăn lúa mới cùng các lễ hội khác. Hôm nay, bà cùng dân làng được sống lại không khí hân hoan ngày nào.

“Trước đây, năm nào làng cũng tổ chức ăn lúa mới ở nhà rông này. Rồi một thời gian khó khăn, bận rộn, cứ gặt lúa xong bà con lại đi hái cà phê, làm miết nên không còn duy trì lễ hội. Nay nhờ cán bộ văn hóa vận động nên làng khôi phục lễ mừng lúa mới, cả làng có dịp gặp gỡ, vui chơi, ai cũng vui”-bà phấn khởi nói.

Người Bahnar làng Đak Mong hân hoan trong lễ mừng lúa mới. Ảnh: H.N

Người Bahnar làng Đak Mong hân hoan trong lễ mừng lúa mới. Ảnh: H.N

Lễ mừng lúa mới được người Bahnar tổ chức sau khi thu hoạch để tạ ơn mẹ Lúa và các vị thần đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no. Chủ lễ gồm 3 người là già làng và những người già có uy tín. Già làng Phach trải qua gần 90 mùa rẫy, đại diện cho cộng đồng Bahnar tạ ơn thần linh. Già làng cầm 1 bó lúa rẫy phóng lên mái nhà rông mang theo ước vọng mùa vụ kế tiếp được Yàng ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Già làng Phach cho biết: “Các nghi thức giữ nguyên như trước đây ông bà mình vẫn làm. Sau lễ, mình họp làng vận động bà con duy trì lễ này, không được bỏ như những năm vừa qua. Giữ truyền thống là tỏ lòng biết ơn ông bà tổ tiên, giáo dục con cháu biết về văn hóa của mình”.

Là thế hệ trẻ ở làng Đak Mong, Trưởng thôn Krăm cho biết: Qua phục dựng lễ mừng lúa mới, anh mới thấy hết nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, ẩm thực của người Bahnar. Không chỉ tái hiện một nghi lễ gắn với đời sống nông nghiệp mà đây còn là dịp để bà con hiểu hơn về văn hóa truyền thống qua trang phục, qua những bộ cồng chiêng, nhạc chiêng được lưu giữ, cách chế biến món ăn, phương thức ủ rượu cần…

Trưởng thôn trẻ ý thức trách nhiệm bản thân trong việc vận động cộng đồng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản cha ông để lại. Anh Krăm kể: “Để tổ chức lễ phục dựng này, những người có uy tín trong làng đi tuyên truyền, vận động từng hộ. Các già làng nói con cháu phải biết phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, nhất là ý nghĩa của lễ ăn lúa mới nên nhà nào cũng đồng lòng ủng hộ. Mỗi người một việc, chung tay chuẩn bị. Già làng làm cây nêu, thanh niên sửa nhà rông, phụ nữ làm rượu… Lúc này vào vụ thu hái cà phê, ai cũng bận rộn, nhưng vì lễ hội đẹp và ý nghĩa nên bà con đều hào hứng tham gia”.

Khôi phục lễ mừng lúa mới góp phần gìn giữ các nét văn hóa của đồng bào Bahnar. Ảnh: Hoàng Ngọc

Khôi phục lễ mừng lúa mới góp phần gìn giữ các nét văn hóa của đồng bào Bahnar. Ảnh: Hoàng Ngọc

Giữ mạch nguồn văn hóa

Bà Đặng Thị Hoài-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa-cho biết: Người Bahnar ở vùng đất này có nhiều lễ hội truyền thống như: lễ ăn trâu, bỏ mả, mừng lúa mới, tạ ơn cha mẹ, mừng nhà rông mới, cúng giọt nước… Ngày nay, nhiều lễ hội bị mai một, trong đó có lễ mừng lúa mới. Đây là nghi lễ nông nghiệp hết sức độc đáo, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của dân làng. Nếu mất đi, lễ hội Tây Nguyên sẽ thiếu vắng mảng màu đặc sắc.

Với nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, huyện Đak Đoa đã tổ chức phục dựng nhiều nghi lễ quan trọng của cộng đồng. Theo bà Hoài, huyện thường xuyên khảo sát, dành kinh phí để phục dựng các nghi lễ của người Bahnar, Jrai. Trước đó, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện phối hợp với chính quyền xã tổ chức phục dựng lễ mừng lúa mới của người Bahnar ở làng Tul Đoa (xã Đak Sơ Mei), phục dựng lễ cúng giọt nước của người Jrai tại làng Bông (xã Hà Bầu)… Sau khi phục dựng, cộng đồng vẫn tiếp tục duy trì hàng năm. Đó là tín hiệu lạc quan cho công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.

Phụ nữ giã gạo nấu cơm mới dâng lên các vị thần linh. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phụ nữ giã gạo nấu cơm mới dâng lên các vị thần linh. Ảnh: Hoàng Ngọc

“Chúng tôi mong muốn chương trình phục dựng sẽ góp phần khôi phục các lễ hội đã gắn bó với đời sống của cư dân nông nghiệp trong suốt chiều dài lịch sử, giúp bà con có ý thức gìn giữ, tiếp tục duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc mình. Hơn thế, nếu làm tốt công tác này thì có thể vận dụng để phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đó cũng là con đường xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững”-bà Hoài chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm