Chính trị

Tin tức

Từ đại hội đến đại hội

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 12: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau khi hoàn thành Đại hội đại biểu Đảng bộ cấp huyện, Đảng bộ tỉnh Gia Lai tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XI. Đại hội diễn ra từ ngày 7 đến 10-5-1996 tại thị xã Pleiku với 250 đại biểu tham dự, thay mặt cho 12.582 đảng viên sinh hoạt, công tác trong 575 tổ chức cơ sở Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Chi-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội.
 

Đại hội phân tích đặc điểm tình hình quốc tế, trong nước và trong tỉnh, nêu lên những thuận lợi và thời cơ; đồng thời, cũng chỉ rõ những khó khăn và thách thức lớn đối với tỉnh. Đó là nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Tình hình đó đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần phải nỗ lực rất lớn, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh của địa phương, tranh thủ mọi nguồn lực trong tỉnh và cả nước, ra sức vượt lên khó khăn, thách thức để tiến lên.

Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XI (nhiệm kỳ 1996 - 2000).
Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XI (nhiệm kỳ 1996-2000).


Từ phương hướng và nhiệm vụ chung của cả nước và điều kiện cụ thể của tỉnh, Đại hội xác định phương hướng, mục tiêu tổng quát của tỉnh đến năm 2010 là: Hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu cải biến cơ bản nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu mang tính tự cấp, tự túc thành nền kinh tế sản xuất hàng hóa phát triển, đạt tốc độ cao hơn hoặc bằng mức bình quân chung của cả nước, có cơ sở vật chất-kỹ thuật tiên tiến, năng suất lao động cao so với hiện nay. Với các chỉ tiêu cơ bản: Nhịp độ tăng trưởng GDP hàng năm trong thời kỳ 1996-2000 là từ 13,5%-14%; thời kỳ 2000-2010 là 15%. GDP bình quân đầu người tăng 4,5 đến 5 lần so với hiện nay (đến năm 2010 GDP bình quân đầu người là 840 USD). Tỷ lệ huy động vào ngân sách từ GDP khoảng 17-18,5% vào thời kỳ 2001-2010. Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp chiếm 23%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 77%.

Đại hội đề ra mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong kế hoạch 5 năm (1996-2000) là: “Tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc, đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội và an ninh-quốc phòng, đưa tỉnh ta từng bước vượt qua tình trạng đói nghèo, lạc hậu, cải thiện mức sống của nhân dân, nâng mức tích lũy nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề cho bước phát triển mạnh hơn sau năm 2000”. Đến năm 2000, phấn đấu đạt và vượt một số chỉ tiêu cụ thể:

- Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ 13,5%-14%; GDP bình quân đầu người vào năm 2000 tăng gấp 1,62 lần so với năm 1995 (băng 285 USD); cơ cấu kinh tế đến năm 2000 là: Nông-lâm nghiệp 43%, công nghiệp-xây dựng 27%, dịch vụ 30%. Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước bình quân trong 5 năm 1996-2000 là 15-17% GDP. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm 1996-2000 là 200 triệu USD, nhập khẩu 100 triệu USD.

- Đến năm 2000 không còn hộ đói; số hộ nghèo dưới 30% (so với số hộ của tỉnh đến năm 2000), không còn tình trạng du canh, du cư. Phấn đấu hoàn thành phổ cập tiểu học cho trẻ em trong độ tuổi từ 6-14 tuổi, huy động 40% trẻ em ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo và 90% trẻ em từ 6-14 tuổi đến lớp. 100% số xã có trạm xá; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 30%, 90% số trẻ em được tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ sinh tự nhiên đến năm 2000 còn dưới 2,37%; từ 60%-70% số dân nông thôn dùng nước sạch.

Đại hội đề ra một số chủ trương và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong kế hoạch 5 năm 1996-2000 là:

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp toàn diện, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước thực hiện cơ giới hóa, điện khí hóa nông thôn. Phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp chế biến phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chú ý phát triển công nghiệp nhỏ, thủ công nghiệp và ngành nghề ở nông thôn... Coi trọng phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế nhà nước để thực sự giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Đổi mới và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác xã. Mạnh dạn đầu tư sản xuất, tăng nguồn hàng xuất khẩu. Tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với thành phần kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế hộ, mở rộng hợp tác liên doanh kinh tế với nước ngoài, tỉnh ngoài. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Thủy điện Sê San 4
Thủy điện Sê San 4


- Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân. Giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Chăm sóc người có công với nước, định cư, định canh, đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo, phòng chống nạn tham nhũng, hối lộ, buôn lậu..., đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực hiện công bằng xã hội và các chính sách xã hội.

- Tiến hành cải cách bộ máy, trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp. Tiếp tục đổi mới phương thức và nội dung hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể quần chúng, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Về công tác xây dựng Đảng bộ, Đại hội nhấn mạnh: Tập trung nâng cao phẩm chất chính trị, phát huy bản chất và truyền thống cách mạng vốn có của Đảng bộ, kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ phải tích cực rèn luyện bản chất giai cấp công nhân, tính tiền phong của Đảng, củng cố và tăng cường đoàn kết nhất trí trong nội bộ, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, khắc phục hiện tượng nể nang, đoàn kết một chiều. Giữ vững mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, đấu tranh chống các biểu hiện cơ hội, thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, cục bộ, bản vị địa phương, mất cảnh giác trong cán bộ, đảng viên. Nâng cao trình độ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên, xây dựng nội dung và phương thức lãnh đạo của các loại hình tổ chức đảng, đưa công tác xây dựng Đảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XI gồm 47 ủy viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hùng (Lê Tam) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Ksor Phước và đồng chí Đào Quang Phổ được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội bầu 13 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.


Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XI đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của địa phương-đó là thời kỳ đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh, tiếp tục góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã chọn.

Nguồn: ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI-TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI (1945-2020)
 

Có thể bạn quan tâm