Chính trị

Tin tức

Từ đại hội đến đại hội

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 7: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum lần thứ VI được triệu tập với 295 đại biểu tham dự.
 

Vòng một họp tại Hội trường 19-5 thị xã Pleiku (từ ngày 11-11 đến ngày 19-11-1976), Đại hội đã thảo luận tham gia ý kiến vào các Văn kiện dự thảo của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Đại hội bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum gồm 16 đồng chí đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bìa trái) cùng đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn-bìa phải) đến thăm người dân xã Gào, thị xã Pleiku (năm 1979).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bìa trái) cùng đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn-bìa phải) đến thăm người dân xã Gào, thị xã Pleiku (năm 1979).


Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976) của Đảng đề ra đường lối chung, đường lối kinh tế và quyết định kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm (1976-1980). Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa IV gồm 133 ủy viên (101 ủy viên chính thức, 32 ủy viên dự khuyết). Ba đồng chí đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum được trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Đồng chí Trần Kiên (Nguyễn Tuấn Tài), Ủy viên chính thức, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn) và đồng chí Y Pah (Y Một), Ủy viên dự khuyết.

Vòng hai của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum lần thứ VI họp tại Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh Gia Lai) từ ngày 1-3 đến ngày 10-3-1977, tiếp tục nghiên cứu Văn kiện Đại hội lần thứ IV của Đảng, kiểm điểm đánh giá tình hình trong tỉnh, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu phấn đấu trong kế hoạch 5 năm (1976-1980) và 2 năm (1977-1978).

Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được sau 2 năm giải phóng hoàn toàn; dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống chiến đấu và chiến thắng, nỗ lực vươn lên thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới đã đạt được kết quả bước đầu về các mặt cải tạo và xây dựng.

Việc hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai-Kon Tum (tháng 11-1975) đã sớm xác định đúng nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế. Đã lãnh đạo quân dân trong tỉnh ra sức thực hiện nhiệm vụ trung tâm đạt được kết quả bước đầu. Đến đầu năm 1977, toàn tỉnh có 117 công trường khai hoang, phục hóa đạt 23.000 ha; diện tích đất canh tác 101.000 ha, có 40.000 ha định canh; sản lượng lương thực 15.000 tấn quy thóc; diện tích cây công nghiệp tăng, đàn gia súc tăng 10%.

Bước đầu định canh, định cư cho 72.000 đồng bào dân tộc thiểu số, vận động chuyển 17.000 đồng bào người Kinh trong thị xã, thị trấn ra vùng ven sản xuất nông nghiệp, hình thành nhiều điểm dân cư mới ở Chư Păh, Mang Yang, An Khê; tiếp nhận 33.747 đồng bào từ các tỉnh Nghĩa Bình, Quảng Nam-Đà Nẵng, Hà Nam đến xây dựng khu kinh tế mới. Thắng lợi của phương thức chỉ đạo vừa tập trung sức phát triển nông nghiệp, vừa chú trọng phát triển lâm nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, lưu thông phân phối, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; vừa chú trọng chăm lo đời sống Nhân dân, vừa kết hợp cải tạo và xây dựng, lấy xây dựng làm chủ yếu.

An ninh chính trị được giữ vững, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng các cấp, vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội được nâng lên. Công tác giáo dục, nâng cao giác ngộ quần chúng tham gia xây dựng chính quyền cách mạng, kiên quyết đấu tranh, trấn áp bọn phản cách mạng.

Đại hội đã xác định phương hướng và nhiệm vụ chung của Đảng bộ trong thời gian 1976-1980 là: Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tăng cường đoàn kết dân tộc, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học-kỹ thuật là then chốt; khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật với tốc độ nhanh, đồng thời từng bước cải thiện đời sống nhân dân là 2 nhiệm vụ rất cơ bản, cấp bách và quan trọng; đẩy mạnh khai hoang, định canh định cư, làm thủy lợi, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp và hàng xuất khẩu; ra sức phát triển giao thông vận tải, mở rộng mạng lưới lưu thông phân phối, tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng và phát triển quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ người bóc lột người, từng bước tích cực xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, ra sức phát triển sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục; kết hợp kinh tế với quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội; tăng cường sức chiến đấu của Đảng trên mọi lĩnh vực, khẩn trương đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới để cùng cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Nguồn: ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI-TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI (1945-2020)

Có thể bạn quan tâm