Chính trị

Tin tức

Từ đại hội đến đại hội

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 6: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 23 đến ngày 30-10-1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ V họp tại làng Salam Vir, thuộc thị trấn Dân chủ, khu 10. Dự Đại hội có 169 đại biểu thay mặt hơn 5.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trên cơ sở thảo luận, quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21 về cách mạng miền Nam, Đại hội đã đánh giá những thành tích và khuyết điểm, thiếu sót về sự lãnh đạo của Đảng bộ, chỉ đạo của Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ công tác vừa qua (1971-1973).

Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được trong 2 năm qua: Chúng ta đã buộc đế quốc Mỹ phải chịu thua, ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam, là thắng lợi rất vĩ đại, rất vẻ vang, là thắng lợi của cả phe xã hội chủ nghĩa, của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và của cả loài người tiến bộ, đây là một thắng lợi lịch sử có ý nghĩa thời đại. Thắng lợi trong 2 năm qua của tỉnh là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đường lối, phương hướng, phương châm, chính sách của Trung ương Đảng, của sự chỉ đạo cụ thể của Khu ủy đối với tỉnh ta; là thắng lợi của sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc, có quyết tâm cao thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, góp phần vào thắng lợi chung của Tây Nguyên, toàn khu, toàn miền, cũng như cả nước và tạo cho tỉnh những thế và lực mới, điều kiện thuận lợi mới để tiếp tục đưa phong trào cách mạng trong tỉnh tiến lên giành thêm những thắng lợi mới to lớn hơn nữa.

Đoàn đại biểu khu 8 (An Khê) dự Hội nghị Tỉnh ủy Gia Lai tại khu 10 (năm 1974).
Đoàn đại biểu khu 8 (An Khê) dự Hội nghị Tỉnh ủy Gia Lai tại khu 10 (năm 1974).


Tuy nhiên, Đại hội cũng chỉ ra những khuyết điểm trong thời gian qua về tấn công địch, giành giữ dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, trong chấp hành các chính sách, trong công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng và các mặt công tác vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, cũng như những mặt hạn chế, khuyết điểm trong nhiệm kỳ (1971-1973), Đại hội đã đề ra phương hướng và nhiệm vụ hoạt động, lãnh đạo phong trào nhiệm kỳ tới đó là: Nắm vững quan điểm bạo lực, tư tưởng tấn công, tinh thần cách mạng triệt để, tăng cường đoàn kết nhất trí, phát huy thắng lợi, khắc phục nhược điểm, vượt mọi khó khăn, nỗ lực cao hơn, kiên quyết đánh bại âm mưu lấn chiếm, xúc kéo dân, vi phạm Hiệp định của địch, giữ vững, phát triển và mở rộng vùng ta; khẩn trương xây dựng phong trào cách mạng trong vùng địch, nắm dân, giữ và giành thêm dân; không ngừng xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức và kiểm tra, nâng cao chất lượng đảng viên và phát triển đảng viên mới, xây dựng chi bộ, đào tạo cán bộ, quyết tâm thắng địch trong mọi tình huống. Phải nắm vững con đường tiến lên của tỉnh là bạo lực, là phải có thực lực chính trị, vũ trang, kinh tế mạnh. Chúng ta phải nắm chắc bạo lực chính trị và vũ trang, nhưng vũ trang phải mạnh.

Đại hội đề ra cần nắm chắc nhiệm vụ trung tâm đó là: Kiên quyết và chủ động tấn công đánh bại âm mưu lấn chiếm, kéo xúc dân của địch, giữ vững và mở rộng vùng ta, khẩn trương xây dựng thực lực ta vững mạnh về quân sự, chính trị, kinh tế, chủ động giành thắng lợi trong mọi tình huống. Nắm chắc tư tưởng chiến lược tấn công, tấn công liên tục và chủ động trên tinh thần tự lực cánh sinh là chính, nỗ lực cao, không ỷ lại, đồng thời tận dụng chi viện thật tốt. Ra sức xây dựng thực lực cách mạng về mọi mặt: Xây dựng lực lượng vũ trang, làng, xã chiến đấu, xây dựng, phát triển kinh tế, thực hiện cung cấp hậu cần tại chỗ, củng cố tổ chức, đoàn thể chính trị xã, thôn, phát triển cơ sở và lực lượng cách mạng trong vùng địch kiểm soát, nhất là thị xã Pleiku, quận lỵ An Khê; tăng cường công tác xây dựng Đảng, chú trọng công tác cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, cán bộ hoạt động hợp pháp. Tất cả những nhiệm vụ đó là nhằm tạo ra điều kiện và thời cơ sẵn sàng phối hợp chiến trường chung, tranh thủ giành thắng lợi cao hơn.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa V gồm 27 ủy viên (có 1 ủy viên dự khuyết), bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 8 đồng chí, đồng chí Trần Văn Bình (Đẳng) được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Ksor Ní (Ama Nhan), đồng chí Kpă Thìn (Bơhâm) và đồng chí Ngô Thành (Chinh) được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Ngày 19-4-1974, đồng chí Trần Văn Bình (Đẳng), Bí thư Tỉnh ủy bị bệnh từ trần, Thường vụ Khu ủy V quyết định chỉ định đồng chí Ksor Ní (Ama Nhan) làm Bí thư Tỉnh ủy.

Nguồn: ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI-TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI (1945-2020)

Có thể bạn quan tâm