(GLO)- Từ ngày 12 đến ngày 22-7-1965, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II được tổ chức tại xã Đak Kơpiar (khu 10). Tham dự Đại hội có 67 đại biểu chính thức, 20 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 2.321 đảng viên, 147 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục miền Nam, tháng 2-1965; Nghị quyết Hội nghị Khu ủy V mở rộng, tháng 5-1965; đánh giá sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với phong trào cách mạng địa phương, phân tích những kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế và những thuận lợi, khó khăn của tình hình trong tỉnh.
Những năm 1961-1965 là một chặng đường đầy khó khăn, thử thách, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh anh dũng vượt qua, đưa phong trào cách mạng của tỉnh tiến lên bước nhảy vọt mới, góp phần cùng với quân và dân toàn miền Nam và cả nước đánh thắng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang (tháng 5-2018). Ảnh: Đức Thụy |
Giành được thắng lợi trên là do Đảng bộ đã nhanh chóng lãnh đạo thực hiện chủ trương chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng, khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ, phát triển chiến tranh du kích nhân dân, xây dựng làng, xã chiến đấu, chống giặc giữ làng, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và công tác binh tề vận. Vận dụng linh hoạt và sáng tạo phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi giáp công”, giữ vững được vùng làm chủ hợp pháp rộng lớn ở nông thôn; Đảng bộ đã tạo được cao trào cách mạng sôi nổi và liên tục của quần chúng, lần lượt đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của địch, thực hiện nhiệm vụ phá rã hệ thống ấp chiến lược của địch, giải phóng về cơ bản vùng nông thôn trong tỉnh.
Đó cũng là thắng lợi của sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, tinh thần chiến đấu dũng cảm không quản gian khổ, hy sinh của quân và dân các huyện trong đấu tranh phá kìm đi đôi với chống địch càn quét, gom dân lập ấp chiến lược; xây dựng thực lực tại chỗ, tạo được thế đấu tranh hợp pháp với địch trong chống phá ấp chiến lược; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ đánh địch, phá ấp, giành dân với nhiệm vụ xây dựng và củng cố căn cứ vùng giải phóng, vừa phát huy khả năng cách mạng của quần chúng, vừa giữ vững và phát triển thực lực cách mạng.
Đại hội đề ra nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ là: Tranh thủ thời cơ, tập trung lực lượng tiến công liên tục, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; ra sức đẩy mạnh phong trào thị xã, thị trấn và vùng người Kinh; chuẩn bị tiến lên khởi nghĩa ở thị xã, thị trấn, giải phóng vùng nông thôn còn lại, nhằm tạo một bước ngoặt mới trong so sánh lực lượng có lợi cho ta, làm cơ sở để xốc tới giành một bước thắng lợi quyết định.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, gồm 15 ủy viên (có 2 ủy viên dự khuyết), trong đó có 5 ủy viên người dân tộc thiểu số. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 5 đồng chí, đồng chí Trần Văn Bình (Đẳng) được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.
Nguồn: ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI - TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI (1945-2020)