Trong bối cảnh giá cả liên tục giảm mạnh, nhiều diện tích hồ tiêu nhiễm dịch bệnh, hàng ngàn hộ nông dân ở Tây Nguyên đã phá bỏ để trồng cây ăn trái, có nguy cơ xảy ra hệ lụy xấu...
Cơn sốt sầu riêng đang lan rộng, khó kiểm soát |
So với cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su… thì sầu riêng có giá trị kinh tế cao hơn. Niên vụ 2017 - 2018 nhiều nông dân ở các huyện Đạ Huoai, Di Linh (Lâm Đồng) vui mừng phấn khởi vì bỏ túi hàng tỷ đồng nhờ sầu riêng.
Thời điểm cuối vụ, lượng hàng khan hiếm, mỗi kg sầu riêng có giá tại vườn lên đến 80.000 đồng, nông dân có thể thu về hơn 1,5 tỷ đồng/ha. Gia đình ông Vũ Văn Bằng ở thôn 1, xã Hòa Nam, Di Linh có tới 17ha sầu riêng cho thu hoạch gần 400 tấn, tổng thu nhập đạt trên 20 tỷ đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận trên 10 tỷ.
Ông Bằng kể, ông từ Nam Định vào Di Linh từ năm 1980 làm công nhân Nông trường Chè - cà phê Di Linh. Đến năm 2007, ông Bằng bắt đầu bỏ cà phê để trồng sầu riêng. Trước đó, nhiều người trong vùng trồng sầu riêng hạt không hiệu quả nên đốn bỏ. Còn ông thì lúi húi chặt bỏ cà phê trồng sầu riêng.
“Khi trồng thử cây sầu riêng hạt thực sinh ghép với giống sầu riêng Monthong thì thấy hiệu quả. Tính kỹ, mỗi ha sầu riêng có thể “chấp” 10ha cà phê. Trong khi một lao động có thể làm từ 2 - 3ha sầu riêng nhưng với cà phê thì cần tới cả chục người mới làm nổi. Đó là chưa kể, lao động chăm sóc cà phê khó tìm vì khắp nơi đều cần...”, ông Bằng cho hay.
Theo ông Bằng, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng không khó, quan trọng nhất là phải lựa chọn được vùng đất có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng thích hợp. Đơn cử, xã Hòa Nam được bao bọc kín bởi địa hình núi, nguồn nước dồi dào rất phù hợp trồng sầu riêng.
Ngoài xã Hòa Nam, ông Bằng mạnh dạn đầu tư trồng thêm gần 10ha sầu riêng ở các xã Hòa Bắc, Hòa Ninh. Bên trong rẫy sầu riêng, ông đổ nhựa làm đường cho xe máy dễ vận chuyển trái đi tiêu thụ...
Nghe ông nói về cách tìm hiểu đặc tính sinh lý, yếu tố dinh dưỡng, phát triển của sầu riêng đến cách chăm bón, bổ sung từng loại dinh dưỡng vào từng thời điểm, mới thấy được mức độ am hiểu tường tận của ông. Theo dự tính, năng suất sầu riêng sẽ tăng cao hơn nữa, vì ông có học hỏi một mô hình ở huyện Đạ Huoai, mỗi cây sầu riêng đạt 600kg trái. Đây là kỷ lục mà ông chưa từng thấy có mô hình nào đạt nổi.
Tuy số lượng sản phẩm lớn nhưng ông cũng không lo đầu ra. Một công ty chuyên xuất khẩu trái cây đã nhận bao tiêu toàn bộ sầu riêng của ông theo giá thị trường. Công việc của ông chỉ là lo chăm bón cho cây thật tốt, năng suất cao, và… thu tiền.
Cơn sốt lan nhanh
Vì thu nhập từ trồng sầu riêng quá hấp dẫn nên nhiều nông dân ở các tỉnh Đăk Lăk, Đắk Nông cũng như các địa phương khác ở Tây Nguyên đang chuyển mạnh sang loại cây “tiền tỷ” này. Theo khảo sát của PV, thời điểm hiện tại, giá giống sầu riêng cơm vàng hạt lép đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017, lên mức 110.000 - 120.000 đồng/cây.
Các giống sầu riêng thường cũng tăng trung bình 20.000 đồng lên 45.000 - 50.000 đồng/cây. Ngay cả cây sầu riêng thực sinh 1 năm tuổi cũng có giá đến 20.000 đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016.
Tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, cùng với việc thu mua quả thì nhiều tư thương còn đổ xô săn lùng mua hạt sầu riêng bản địa với giá cao hơn nhiều so với các năm trước, hiện đạt mức từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Không chỉ giá cao hơn quả, hạt sầu riêng bản địa có bao nhiêu cũng được thương lái thu mua hết, đặt ra ngờ vực cho nhiều người.
Ông Võ Viết Hùng, tiểu thương ở khu vực chợ Gia Nghĩa (TX. Gia Nghĩa) mỗi ngày thu mua từ 70 - 100kg hạt sầu riêng bản địa với giá 60.000 đồng/kg. Hạt thu mua được ông gom lại 3 - 5 ngày mới chuyển đi các tỉnh miền Tây với giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Theo ông Hùng, hiện các vựa ươm cây giống ở miền Tây đang cần nguồn hạt lớn để ươm nên nguồn cung quá tải.
Bà Trần Thị Lệ Thu làm nghề mua bán trái hơn 20 năm nay tại chợ Gia Nghĩa cũng không thể tin nổi giá hạt sầu riêng năm nay lại cao đến thế. Có thời điểm bạn hàng ở Tiền Giang, Bến Tre hối thúc giao hàng nhưng bà vẫn chưa gom đủ dù giá ở mức gấp đôi so với mọi năm là 60.000 đồng/kg.
Bà Thu cho biết: Nhiều người nghi ngờ mua hạt sầu riêng để làm gì nhưng các bạn hàng lâu năm của tôi cho biết là các chủ vườn ươm đặt hàng. Các tỉnh khác phần lớn sầu riêng lép hạt không ươm cây giống được. Trong khi đó diện tích sầu riêng bản địa hạt to của tỉnh khá lớn. Sầu riêng hạt to sẽ ươm được thành cây giống.
“Sau khi ươm một thời gian, cùng với bán cây giống hạt, đa phần cây giống đạt độ tuổi nhất định, chủ vườn sẽ sử dụng kỹ thuật ghép các mối, mầm sầu riêng hạt lép như Mongthong, Ri6… để cây đạt năng suất cao hơn. Còn các giống sầu riêng hạt lép khi ươm hạt thì không mọc mầm. Lợi thế của sầu riêng bản địa hạt to là dễ trồng và sinh trưởng tốt, trong khi đó, loại sầu riêng hạt lép khó trồng và dễ chết”, bà Thu giải thích.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Nông, sầu riêng có diện tích lớn nhất trong khoảng 17 loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh (1.305ha sầu riêng/6.946ha cây ăn quả). Việc đổ xô gom hạt sầu riêng để bán giống là có thật. Tuy nhiên, chưa có cơ sở nào khẳng định giá hạt sầu riêng tăng cao và được thu mua với số lượng lớn là do nguyên nhân gì. Vì thế, nông dân cần cẩn trọng, tránh trồng ồ ạt hoặc hái trái xanh để bán hạt dẫn đến dịch bệnh phát sinh, cây không đậu quả, được mùa, mất giá… |
Thanh Sa (nongnghiep)