Thời sự - Bình luận

Dâng sao, giải hạn,đốt vàng mã... tiêu hàng nghìn tỷ mỗi năm, thưa BT Thiện!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hoạt động dâng sao giải hạn gây mê tín dị đoan, việc cấp phép lỏng lẻo trong hoạt động biểu diễn và phim ảnh, phí "BOT" tâm linh... là những vấn đề hiện dư luận rất quan tâm. Trong buổi "đăng đàn" trước Quốc hội vào chiều 5/6, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ trả lời cử tri và đại biểu.
Theo chương trình làm việc của Quốc hội, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, chiều hôm nay 5/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ "đăng đàn" trước Quốc hội để trả lời chất vấn của các đại biểu.
Theo đó, Quốc hội sẽ trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh...
 
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện 
Cứ đầu năm lại dâng sao giải hạn, cúng oan gia trái chủ...
Hằng năm, cứ vào tháng Giêng là nhiều người lại sốt sắng chuẩn bị cho việc cúng dâng sao giải hạn, cầu an. Bởi họ quan niệm mỗi năm, mỗi người đều có một ngôi sao chiếu mệnh, trong đó có sao tốt, sao xấu…
Theo Phật giáo, cúng sao giải hạn đầu năm thì không xuất hiện trong giáo lý nhà Phật. Tuy nhiên trên thực tế nhiều ngôi chùa lớn ở Miền Bắc, trong đó giữa Thủ đô Hà Nội vẫn tiến hành việc cúng dâng sao giải hạn. 
Không chỉ dừng lại ở việc dâng sao giải hạn, dư luận cũng được dịp rung động vì hoạt động cúng "oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng, một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Bắc.
Theo đó, tại ngôi chùa này, hoạt động cúng giải oan gia trái chủ được thực hiện một cách bài bản, với mục đích “móc tiền” của người dân. Có những trường hợp phải bỏ ra tới gần tỷ đồng để giải nếu không “sẽ bị điên”.  Trong trường hợp không đủ tiền, nhà chùa sẵn sàng “ghi sổ nợ”, chuyển khoản sau hoặc không có thể làm công…trừ nợ.
Chưa kể, hàng loạt ngôi chùa lớn được triển khai, nhiều hình thức kinh doanh tâm linh khiến không ít các chuyên gia phản đối.
Dư luận cả nước không khỏi băn khoăn, trách nhiệm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ra sao trong câu chuyện này? Nếu không được báo chí phanh phui thì vấn nạn này sẽ vẫn còn tiếp diễn, và không biết đến khi nào mới chấm dứt tình trạng trục lợi từ những hoạt động tín ngưỡng tâm linh này?
Quản lý, cấp phép nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh quá dễ dãi
Trung tuần tháng 9/2018, sau lễ hội âm nhạc ở Công viên hồ Tây (Hà Nội), 7 thanh niên tử vong do sốc thuốc, nhiều người khác phải đi cấp cứu. Lễ hội được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp giấy phép tổ chức, số lượng người tham gia là khoảng 5.000. 
Điều đáng nói là khi cơ quan chức năng thực hiện test nhanh các trường hợp vào cấp cứu cho thấy các nạn nhân dương tính với ma túy đá, ma túy tổng hợp, cần sa và thuốc lắc. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến vụ việc này và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về cấp phép tổ chức lễ hội âm nhạc ra sao?
Mới đây nhất, dư luận cũng rất bức xúc và lên án về việc bộ phim "Vợ ba" sử dụng diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng của người lớn, mặc dù phim dán nhãn C18 (khán giả dưới 18 tuổi không được xem). Trước đó, bộ phim này đã công chiếu ở hơn 30 thành phố tại Mỹ. Tuy nhiên, khi mới ra mắt tại các rạp phim trong nước được 4 ngày, trước sự ồn ào của dư luận khiến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch buộc phải yêu cầu Cục Điện ảnh kiểm tra lại quy trình cấp phép, ngừng chiếu bộ phim.
Dư luận cho rằng khâu kiểm duyệt cấp phép như thế nào để một bộ phim sử dụng diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm của người lớn lại có thể "lọt lưới" 1 cách dễ dàng như vây.
Chỉ với những vụ việc điển hình như trên, cử tri cả nước không khỏi hoài nghi về việc cấp phép cho những hoạt động văn hóa, văn nghệ của cơ quan chủ quản dường như rất dễ dãi đã gây ra những hậu quả "chết người". Và nếu không được phát hiện sớm, thì những tồn tại đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân cả nước? 
Phí tham quan đình chùa, tiền công đức, bao giờ công khai, minh bạch?
Những năm gần đây, cứ đến mùa lễ hội là BQL các di tích, thắng cảnh, đình, đền chùa có những khoản thu khổng lồ từ tiền công đức, nhất là một số điểm tham quan có thu phí khá cao, nhiều người còn gọi là “BOT tâm linh”.
Đơn cử như quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh). Dưới chân núi Yên Tử huyện Đông Triều, Quảng Ninh đã có trạm bán vé thu phí tham quan, thế nhưng, trên đỉnh núi, cách chùa Đồng khoảng 700m lại có một trạm bán vé khác bán vé thu phí tham quan, giá vé là 40.000 đ/lần/người lớn và trẻ em là 20.000 đ/lần/người (từ 7 đến dưới 16 tuổi). 
Quần thể di tích danh thắng Yên Tử là di sản chung của Quốc gia. Tuy số nguồn thu phí từ bán vé tham quan, gửi xe, công đức… không công bố, nhưng chắc chắn con số thu được mỗi năm sẽ lớn gấp nhiều lần kinh phí bỏ ra trùng tu và trả thù lao cho người quản lý. 
Tùy tiện quy định những khoản thu bất hợp lý, tăng giá vé tham quan đột ngột, phí chồng phí, "chặt chém", lạm thu, xâm hại cảnh quan thiên nhiên... là những bất cập đang diễn ra tại không ít điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên cả nước.
N. Huyền (Infonet)

Có thể bạn quan tâm