Khoa học - Công nghệ

Đánh giá Bộ chỉ số DTI: Thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bảng xếp hạng mức độ chuyển đổi số (Digital Transformation Index-DTI) các cơ quan hành chính tỉnh năm 2023 vừa được UBND tỉnh phê duyệt ngày 12-6-2024 đã đánh giá khá chính xác thực tế khi những vị trí đứng đầu đều là những đơn vị có nhiều hoạt động tích cực trong chuyển đổi số thời gian qua.

Bộ chỉ số DTI của tỉnh Gia Lai được xây dựng và triển khai nhằm đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm của các cơ quan, đơn vị; giúp các cơ quan, đơn vị nhìn nhận được sự tiến bộ của mình trong quá trình chuyển đổi số. Bộ chỉ số bao gồm các chỉ số đánh giá về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh và các lĩnh vực ưu tiên.

Năm 2023, nhóm sở, ban, ngành cấp tỉnh có 20 đơn vị tham gia đánh giá DTI. Theo kết quả được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Thông tin và Truyền thông xếp thứ nhất với 426,66 điểm, Văn phòng UBND tỉnh xếp thứ 2 với 423,17 điểm, Sở Công thương đứng thứ 3 với 407,63 điểm; xếp cuối cùng là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội với 250,23 điểm.

Ở bảng xếp hạng của nhóm UBND cấp huyện, 3 vị trí dẫn đầu lần lượt là: UBND TP. Pleiku (600,5 điểm), UBND huyện Kbang (595,18 điểm) và UBND huyện Đak Pơ (572,42 điểm); xếp cuối cùng là UBND huyện Chư Prông (458,06 điểm).

Thời gian qua, Sở Công thương đã có rất nhiều hoạt động chuyển đổi số để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Sở đưa vào vận hành các phần mềm như Bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt; hỗ trợ hơn 300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mua bán hàng hóa trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cùng với đó, Sở có hàng loạt hoạt động hỗ trợ liên quan đến công nghệ số cho doanh nghiệp, hợp tác xã như: tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ, hướng dẫn tham gia các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop… Nhờ vậy, Sở Công thương đã xếp thứ 3 trên bảng xếp hạng DTI năm 2023.

Sở Công thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng công nghệ số, quảng bá sản phẩm của mình thông qua các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hà Duy

Sở Công thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng công nghệ số, quảng bá sản phẩm của mình thông qua các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hà Duy

Là đơn vị đứng đầu trong nhóm UBND cấp huyện, UBND TP. Pleiku cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường làm việc khoa học, hiệu quả, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: “Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường đã sử dụng có hiệu quả phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, chữ ký số. Hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng hoạt động của cơ quan nhà nước với tỷ lệ 1 máy tính/cán bộ, công chức.

Thành phố cũng tích hợp dịch vụ công mức độ 4 vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh ngày càng hoạt động hiệu quả và nhận được sự đánh giá cao từ phía người dân”.

Anh Hồ Xuân Quang (thôn 3, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) nhận xét: “Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đã tạo nên “kênh” tương tác hiệu quả giữa người dân và chính quyền địa phương. Qua đó, người dân có thể phản ánh các vấn đề đang xảy ra trên địa bàn như đường hư hỏng, cây xanh bị gãy đổ, tai nạn... để thành phố kịp thời nắm bắt, xử lý.

Hoặc hệ thống camera giao thông cũng góp phần giảm đáng kể tình trạng vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông. Những hoạt động này sẽ góp phần giúp TP. Pleiku dần định hình là một đô thị thông minh, văn minh”.

Từ việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đó mà nhiều chỉ số chuyển đổi số của TP. Pleiku đạt điểm khá cao. Trong đó, nhận thức số đạt tối đa 80/80 điểm; thể chế số đạt 90/120 điểm; hạ tầng số đạt 83/100 điểm; hoạt động chính quyền số đạt 188/260 điểm.

Bảng xếp hạng DTI năm 2023 cho thấy một số chỉ số đang được các sở, ban, ngành triển khai tốt, như: hạ tầng số (Sở Nông nghiệp và PTNT đạt 45,56/50 điểm, Văn phòng UBND tỉnh đạt 44,2/50 điểm, Sở Nội vụ đạt 42,89/50 điểm, Sở Thông tin và Truyền thông đạt 37,56/50 điểm).

Còn về nhân lực số, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đạt tối đa 30/30 điểm, Sở Nông nghiệp và PTNT đạt 28,12/30 điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo đạt 27,7/30 điểm. Riêng chỉ số an toàn thông tin mạng, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Công thương đạt tối đa 90/90 điểm, Văn phòng UBND tỉnh đạt 84/90 điểm...

Việc đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số đã thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong cơ quan hành chính. Ảnh: H.D

Việc đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số đã thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong cơ quan hành chính. Ảnh: H.D

Tuy nhiên, các chỉ số về hạ tầng số, an toàn thông tin mạng, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số ở nhóm UBND cấp huyện vẫn còn đạt thấp. Điển hình như chỉ số hạ tầng số, UBND huyện Krông Pa chỉ đạt 47,79/100 điểm; UBND huyện Kông Chro và Ia Pa cùng đạt 47,94/100 điểm.

Ở chỉ số an toàn thông tin mạng, UBND huyện Krông Pa đạt 40/100 điểm, UBND huyện Phú Thiện đạt 44/100 điểm. Ở chỉ số hoạt động kinh tế số, điểm số tối đa là 100 điểm, nhưng đơn vị cao nhất là UBND TP. Pleiku cũng chỉ đạt 49,5 điểm. Còn chỉ số hoạt động xã hội số, 2 đơn vị dẫn đầu là UBND huyện Chư Păh và Đak Đoa cũng chỉ đạt 23/110 điểm.

“Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số DTI, khắc phục những chỉ số chưa đạt theo yêu cầu. Điều này không chỉ để giữ vững vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng mà quan trọng hơn là từng bước thay đổi cách thức tổ chức, môi trường và công cụ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ để đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm