(GLO)- Sau một thời gian dài tưởng chừng “ngủ quên”, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Bahnar ở xã Ayun (huyện Mang Yang, Gia Lai) đang dần được “đánh thức”. Thông qua các hội thi, hội diễn, người dân 5 làng trong xã càng ý thức được giá trị của cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng cùng các lễ hội truyền thống để ra sức gìn giữ, phát huy.
Mạch nguồn văn hóa
Xã Ayun có 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 1.800 hộ, sống tập trung ở các triền đồi được dãy núi Kon Hyer bao bọc. Ảnh hưởng bởi cuộc sống hiện đại, nhiều nghi lễ truyền thống trong cộng đồng dần bị quên lãng, tiếng cồng chiêng cũng trở nên xa vắng. Phụ nữ không còn thiết tha bên khung cửi, đàn ông không còn muốn tạc tượng. Có chăng chỉ còn vài người thỉnh thoảng đan gùi phục vụ nhu cầu của gia đình. Văn hóa truyền thống trong các ngôi làng ở Ayun đứng trước nguy cơ mai một.
Trước thực trạng đáng buồn đó, cấp ủy, chính quyền huyện, xã đã lên kế hoạch bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của bà con một cách căn cơ thông qua các phong trào, hoạt động như hội thi, hội diễn. Mới đây, UBND xã Ayun tổ chức Hội thi văn hóa các dân tộc thiểu số lần thứ I-năm 2019. Ông Djưng-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Đê Kjiêng-cho hay: “Nghe tin xã tổ chức hội thi, bà con trong làng ai cũng náo nức. Mọi người lục lại trong trí nhớ xem ai là người đánh chiêng hay nhất, ai tạc tượng có hồn nhất, ai làm nhạc cụ giỏi nhất để cử đi tham gia”. Không khí rộn ràng chuẩn bị cho ngày hội len lỏi, tràn ngập trong từng nếp nhà.
Ông Dônh (làng Kon Brung, xã Ayun) bên những bức tượng gỗ do chính tay mình tạc nên. Ảnh: P.L |
Đã lâu rồi, bà Y Bré (làng Hyer) không được tận hưởng cảm giác thảnh thơi khi ngồi bên khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm đầy màu sắc. Lúc còn là thiếu nữ, bà Bré nổi tiếng khéo léo bởi đường nét hoa văn trên tấm thổ cẩm của bà luôn sắc sảo hơn so với người khác. Nhưng nhu cầu mặc thổ cẩm của người dân ít đi cũng kéo bà dần rời xa khung cửi. Vì vậy, khi được tham gia hội thi văn hóa lần đầu tiên do xã tổ chức, bà vui lắm. “Mình tự chọn màu chỉ, lên khuôn và dệt những hoa văn đẹp mắt để đem dự thi. Đã lâu không làm nhưng cũng không quên đâu”-bà Bré chia sẻ.
Tương tự, ông Dônh (làng Kon Brung) vừa chỉnh sửa lại những bức tượng gỗ vừa kể: “Ngày trước mình theo ông già đi tạc tượng nhà mồ nhiều lắm. Cứ nhìn theo là biết cách làm thôi. Tượng gỗ chỉ tạc khi có lễ bỏ mả, không được làm lung tung đâu. Bây giờ thì không còn nhiều nhà làm lễ bỏ mả. Nhờ có hội thi mình mới có dịp tạc tượng”. Dù đã 60 tuổi, nhưng những nhát rìu của ông luôn dứt khoát, chắc khỏe.
Khôi phục và phát huy
Sau 3 ngày diễn ra hội thi, hơn 100 nghệ nhân và bà con ở 5 ngôi làng đã thực sự được sống trong không gian đậm sắc màu văn hóa truyền thống của dân tộc. Những bức tượng gỗ, bộ nhạc cụ, chiếc nỏ, những tấm thổ cẩm hoàn thiện được trưng bày xung quanh khoảng sân rộng trước nhà rông của làng Đê Kjiêng để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Các làng còn cùng nhau khoe tài trình diễn cồng chiêng và hát dân ca, biến hội thi trở thành ngày hội lớn của cộng đồng.
Bà con trong các ngôi làng vẫn còn giữ những nét văn hóa truyền thống. Ảnh: Phương Linh |
Có mặt tại hội thi, ông Võ Ngọc Tuấn-Bí thư Đảng ủy xã Ayun (huyện Mang Yang) bày tỏ sự bất ngờ khi thấy các làng Bahnar trên địa bàn vẫn còn lưu giữ gần như đầy đủ vốn quý văn hóa truyền thống, chứng tỏ mạch nguồn văn hóa vẫn âm thầm chảy trong đời sống. “Trước kia đội cồng chiêng của làng Kon Brung luôn đại diện cho xã tham gia các hội thi, hội diễn các cấp. Các làng khác thấy vậy cũng tập hợp lực lượng nghệ nhân để tập luyện. Đến nay 5/5 làng đều có đội cồng chiêng mặc dù chất lượng chưa đồng đều. Từ năm 2017, thấy làng Đê Kjiêng được đưa vào kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng, bà con các làng khác cũng tự mình vực dậy các nét văn hóa truyền thống như đan lát, tạc tượng, ẩm thực… để cùng phát triển”-ông Tuấn cho hay.
Dù vậy, đội ngũ nghệ nhân nắm giữ văn hóa truyền thống trong các ngôi làng ở xã Ayun đều đã lớn tuổi trong khi thế hệ trẻ kế cận vẫn rất khan hiếm. Cũng như nhiều nơi khác, không nhiều người trẻ trong xã mặn mà với cồng chiêng, tạc tượng hay thổ cẩm. Bí thư Đảng ủy xã Ayun cho hay, hiện xã đang ưu tiên kinh phí để mở các lớp tập huấn, dạy các nghề truyền thống như đan lát, tạc tượng hay dệt thổ cẩm... Các cán bộ, đảng viên, Ban Nhân dân thôn, Ban Công tác Mặt trận cũng ra sức tuyên truyền, vận động dân làng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa. Đồng thời duy trì tổ chức các hội thi văn hóa các dân tộc và trình diễn cồng chiêng để lan tỏa hơn nữa tình yêu đối với văn hóa truyền thống trong cộng đồng.
PHƯƠNG LINH-MINH CHÂU