Ông lang chữa bệnh với 3 cây nhang và đắp một thứ thuốc nhầy lên vùng cổ của nữ bệnh nhân.
Bệnh nhân Đỗ Thị L., sinh năm 1988 (Thọ Xuân, Thanh Hóa) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hải Phòng đã tự chữa basedow bằng phương pháp “thầy lang” dẫn tới nhiễm trùng loét vùng cổ nghiêm trọng.
Bỏ thuốc bệnh viện, đắp thuốc ông lang
Cách đây 3 tháng, chị L. phát hiện cổ mình to lên bất thường, mắt có dấu hiệu lồi to, chân tay run. Chị L. đã xuống Bệnh viện Nội tiết Trung ương để khám và được chẩn đoán, kê đơn điều trị basedow - một bệnh trong hội chứng cường giáp, xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là từ độ tuổi 20 đến 40 và thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn. Tuy nhiên, sau 2 ngày dùng thuốc chị L. đã tự ý bỏ sau khi nhiều người tới hỏi thăm và mách cho chị L. biết về một ông lang sống tại Hải Phòng có thể chữa hỏi hoàn toàn căn bệnh mà chị đang mắc phải mà không hề phải đụng đến dao kéo.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Giang Nam đang khám cho bệnh nhân L. sau khi chữa bệnh tại nhà thầy lang. (Ảnh do BV cung cấp) |
Nghe một người quen gần nhà mách, bà cũng bị bệnh về tuyến giáp, bản thân không muốn đụng chạm dao kéo, nên đã tới nhờ ông lang kia chữa trị bằng phương pháp “thần bí” đều đặn 1 tuần 2 buổi, 1 tháng 8 buổi với tổng chi phí là 10 triệu và sau khi thời gian thì bà khỏi bệnh.
“Lần đầu tới và được ông điều trị bằng phương pháp “lạ”, tôi cũng hơi ái ngại nhưng vì nghe nhiều người mách là cứ chữa trị kiểu gì cũng khỏi nên tôi không lăn tăn nữa”, chị L. cho biết.
Cũng theo anh V. chồng của chị L, khi tới nhà thầy lang, vợ tôi được ông ấy khám và cho biết cần phải điều trị ngay. “Sau khi châm 3 nén nhang, ông ấy cắm 2 nén lên bàn thờ còn 1 nén thì hơ xung quanh vùng cổ của vợ tôi. Sau đó chọc và bôi thứ thuốc nhầy nhầy giống như nhựa cây mà ông ấy gọi là vô cùng hiệu nghiệm vào vùng cổ sau đó đắp tiếp thuốc lá lên rồi băng lại dặn không được động vào, lần sau tới ông ấy sẽ đích thân thay băng và tiếp tục bôi thuốc”, anh V. kể lại.
Hậu quả khôn lường
Ban đầu, chị L. chỉ thấy cổ rát rát, tuy nhiên đến lần thứ 2 sau khi đắp thuốc về, cổ chị bắt đầu sưng nề to, đau nhức kinh khủng. Khi tháo băng, vùng cổ chị L. đã loét lớn, sâu, mưng mủ… Quá hoảng sợ, vợ chồng chị gọi điện cho thầy lang đó để hỏi và nhận được câu trả lời: “Đó là biểu hiện hết sức bình thường của giai đoạn đầu mới điều trị nên không phải lo lắng gì cả”.
Trước câu trả lời thiếu trách nhiệm và vô lý đó, vợ chồng anh chị rất bức xúc và có nói qua lại với thầy lang. “Lúc đó, ông ta lại bảo là do vợ chồng tôi vệ sinh không tốt nên mới vậy. Thực sự tôi có dám động vào chỗ đó đâu vì lần nào ông ấy cũng dặn không được động vào để ông ấy tự thay băng và bôi thuốc”, chị L. cho biết.
Thấy tình trạng bệnh tiến triển nặng, vợ chồng chị L. đã tới một bệnh viện tư gần nơi ở để được làm sạch vết loét và điều trị nhiễm trùng sau đó bắt xe xuống ngay bệnh viện Nội tiết Trung ương để kiểm tra.
Vết sẹo trên cổ chị L. sau khi bị nhiễm trùng. (Ảnh do BV cung cấp) |
Theo Thạc sĩ Nguyễn Giang Nam, Phó Trưởng khoa Điều trị ban ngày, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bác sĩ khám và điều trị cho chị L., bệnh nhân trở lại khám trong tình trạng tổn thương nghiêm trọng vùng cổ, vết loét sâu, dài, mưng mủ. Việc người bệnh không tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ mà hậu quả để lại vô cùng nghiêm trọng. Không những khối u không hề giảm kích thước mà tình trạng còn to lên, xuất hiện vết sẹo lồi chằng chịt sau quá trình đắp thuốc không rõ nguồn gốc. Đặc biệt hơn nữa chính sự thiếu hiểu biết và quá coi thường bệnh tật của mình khiến cho quá trình điều trị sẽ phức tạp hơn.
“Để khắc phục, chị L. sẽ được theo dõi và điều trị dứt điểm các vết tổn thương cũ đồng thời tuân thủ theo đơn thuốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sau đó mới có thể tiến hành phẫu thuật lấy khối u ra được”, BS Nam cho biết.
BS Nam cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt là những trường hợp bị các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà hay nghe người khác mách bảo dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Đồng thời khi người bệnh phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường tại vùng cổ hay liên quan đến tuyến giáp phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
PV/VOV.VN