Sau hơn 20 năm thành lập, Kông Chro hôm nay vẫn là vùng đất khó mặc dù đội ngũ cán bộ ở đây phần lớn đều tâm huyết với công cuộc xóa đói giảm nghèo. Ấy vậy mà, địa phương nghèo nhất tỉnh Gia Lai lại không được xếp vào “top” 63 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Những ngày cuối tháng 11, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng Đông Trường Sơn sụt sùi trong mưa gió. Cả 3 con đường dẫn vào trung tâm huyện Kông Chro đều “có vấn đề”.
Ảnh: N.G |
Sau hơn một ngày thiếp mình sau đám mây mù, đến 2 giờ chiều, mặt trời mới ánh lên những tia hy vọng cuối ngày. Tranh thủ lúc trời hửng nắng, chúng tôi quyết định vào xã Đak Pling. Đây là nơi tiếp giáp với huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định và huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Con đường từ trung tâm huyện đến xã Đak Pling chưa đầy 40 cây số thế mà phải mất 4 giờ đồng hồ ròng rã. Chiếc xe Win- loại xe “đặc chủng” để cán bộ các phòng ban huyện đi cơ sở- trồi lên, trụt xuống theo từng ổ gà, con dốc. Đang là mùa mưa nên những con suối cắt qua đường nước ngập ngang thắt lưng, chảy xiết. Để sang được bờ bên kia chúng tôi phải thuê các thanh niên người Bahnar khiêng giúp. Mỗi chuyến “hữu nghị” 50 ngàn đồng. Dường như đã quen với cảnh người đi đường lỡ chuyến nên một số thanh niên làng bên cạnh thường xuyên có mặt để vừa giúp người đi đường vừa có tiền uống rượu. Mặc dù được các thanh niên khỏe mạnh và am tường địa bàn tận tâm giúp đỡ nhưng mỗi lần qua khỏi suối là một lần toát mồ hôi hột.
Đường vào xã Đak Pling. Ảnh: N.G |
Con đường đến làng Mèo Lớn trơn như đổ mỡ và lởm chởm đá tai mèo, chỉ cần sơ ý một tí là trượt chân chỏng vó. Trong cái thâm u đêm đông giữa chốn non ngàn, vài tia sáng từ bếp nhà sàn hắt ra như một sự cám dỗ. Cũng là để tìm một chút ấm cúng, chúng tôi ghé vào nhà ông Đinh Reo- một trong những “đại gia” của làng Mèo Lớn. Trước đây cũng nghèo khổ như 150 hộ dân kia nhưng nhờ biết học hỏi và siêng năng nên hiện mỗi năm ông thu trên 20 triệu đồng từ trồng đậu xanh, chưa kể 3-4 tấn lúa.
Đêm ở làng Mèo Lớn thật bình yên. Không có tiếng chó sủa, không tiếng xe máy, không có người say rượu... Rời làng lúc 8 giờ tối nhưng dường như những mái nhà sàn đã chìm trong giấc ngủ từ lâu. Chỉ có sự hiện diện của chúng tôi là phá đi cái không khí bình yên đến tịch mịch nơi này. Nói như vậy cũng chưa thật chính xác vì vẫn còn các thầy-cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân đang đợi chúng tôi trong bữa tối. Qua một buổi vật lộn với con đường, hơn 1 giờ đi bộ trong cái ướt át của mùa đông, bữa cơm (có cả thùng bia 333 lấm bụi) mà các thầy-cô giáo dành cho chúng tôi ngon hơn bao giờ hết. Ngoại trừ hộp bia, tất tần tật do tăng gia mà có, đến đĩa dế cơm rang cũng do các thầy bắt được ngoài rẫy. Trong bữa cơm, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào tâm sự: “Tuy gian khổ nhưng anh chị em giáo viên vẫn yên tâm công tác. Chỉ mong tỉnh quan tâm cho xây dựng con đường và thêm vài phòng ở cho giáo viên”.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy thật sớm để cảm ơn và tạm biệt các thầy-cô giáo tốt bụng trước khi về huyện. Gặp chúng tôi, Phó Hiệu trưởng Hào nhún vai thông báo: “Ngủ đi! Trưa mới đi được, khi tối mưa lớn nên không qua suối được đâu!”. Và đúng như vậy, đến 11 giờ trưa chúng tôi mới bắt đầu hành trình ngược lại, nỗi thống khổ còn sâu hơn lúc vào, lạch cạch, trồi sụt... đến gần 3 giờ chiều mới ra được trụ sở UBND huyện.
Sau cái bắt tay chúc mừng “tai qua, nạn khỏi”, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Trần Biểu chia sẻ: “Biết mưa lớn thế này thì chiều qua chúng tôi không để các ông đi Đak Pling. Lỡ có việc gì...”. Chúng tôi hiểu câu nói lửng của anh, nhưng dẫu sao chúng tôi vẫn thể hiện được một tấm lòng với vùng đất khó Kông Chro.
Không chỉ có tuyến đường đi Đak Pling, đã 22 năm trôi qua, giao thông lúc nào cũng là bài toán khó. Hồi mới thành lập, dẫn vào trung tâm huyện chỉ có con đường độc đạo 667 (ngày trước gọi là tỉnh lộ 674), toàn huyện chỉ có vẻn vẹn 2 cây số đường nhựa ở trung tâm thị trấn. Thời gian gần đây, hệ thống giao thông đã được quan tâm, nhưng do suất đầu tư thấp lại làm chắp vá nên chẳng mấy chốc đã xuống cấp trầm trọng.
Do giao thông cách trở đã ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh tế-xã hội của Kông Chro. Thị trấn Kông Chro giữ vai trò là trung tâm kinh tế-xã hội của huyện nhưng chẳng thay đổi bao nhiêu. Chỉ cần 50-70 triệu đồng đã có một lô đất làm nhà ở nhưng nhà cửa vẫn lèo tèo. Do yêu cầu sử dụng vốn ít nên đến nay trên địa bàn chỉ có Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Chợ trung tâm huyện chưa đến 100 tiểu thương buôn bán, chỉ bán những mặt hàng thiết yếu giá trị thấp, những mặt hàng tiền triệu trở lên phải mua tận thị xã An Khê. Đặc biệt đến nay thị trấn vẫn chưa có nổi một khách sạn...
Đến giờ Kông Chro vẫn còn là huyện thuần nông. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Phú Lộc, chủ yếu vẫn là cây ngắn ngày. Bông, điều được cho là cây xóa đói giảm nghèo một thời, diện tích đã thu hẹp đáng kể. Bây giờ, nông dân Kông Chro chỉ còn đặt niềm tin vào cây bắp lai, mì và mía.
Ước thực hiện kế hoạch năm 2010: - Tổng thu ngân sách trên địa bàn: 14,850 tỷ đồng. |
Dẫu không mãnh liệt nhưng một tia hy vọng về sự đột phá đã đến với cán bộ và nhân dân huyện Kông Chro. Đó là tỉnh quyết định đầu tư nâng cấp tỉnh lộ 667 và con đường dẫn đến xã Đak Pling. Trung ương cũng đã đầu tư xây dựng đường Đông Trường Sơn- đoạn qua địa bàn. Tất cả các dự án này sẽ hoàn thành trước năm 2015. Tỉnh đề nghị Trung ương đưa Kông Chro vào danh sách các huyện khó khăn... Có lẽ khi ấy đất khó Kông Chro sẽ đỡ vất vả hơn...
Duy Danh- Nguyễn Giác