Phóng sự - Ký sự

Đất lành Đak Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là vùng đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến, nổi bật với chiến thắng Đak Pơ lịch sử, từ chiến địa khốc liệt, Đak Pơ nay trở thành đất lành trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Mỗi người dân mà chúng tôi được gặp ở các làng, xã đã kể những câu chuyện sống động về nỗ lực vượt khó để thay đổi cuộc sống, gìn giữ và trao truyền bản sắc, từ đó khắc họa bức “chân dung” chân thực về vùng đất phía Đông tỉnh.

Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh

Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh

Chuyện làng Jun

Cuộc trò chuyện với ông Đinh Văn Hyướch, một hộ có kinh tế khá ở làng Jun (xã Yang Bắc) mỗi lúc một thêm thú vị, nhất là khi nói đến ý chí thoát nghèo. Ông Hyướch chia sẻ về lối suy nghĩ cấp tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: “Trong cuộc sống phải nỗ lực học hỏi, vươn lên. Bây giờ ai nghèo thì thường là do chưa chịu khó. Ngoài ra, mình phải mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất”.

Bản thân người đàn ông Bahnar 48 tuổi này đã là một minh chứng. Hiện nay, bên cạnh canh tác hơn 1 ha mía, vài sào lúa ruộng, ông Hyướch còn trồng hơn 4 sào rau màu và nuôi 6 con bò. “Thấy anh em người Kinh trồng ớt, trồng rau mang lại thu nhập ổn định nên tôi liền học theo. Trước đây, người Bahnar không có thói quen trồng rau mà thường bỏ trống đất vườn nhà”-ông Hyướch nói. Thêm vào đó, gia đình ông còn mở tiệm tạp hóa. Tổng thu nhập từ nhiều nguồn khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Từ đây, vợ chồng ông xây được căn nhà kiên cố, chăm lo cho con gái đầu học xong đại học.

Ông Đinh Văn Hyướch (làng Jun, xã Yang Bắc) có thu nhập khá nhờ trồng thêm rau màu trong vườn. Ảnh: L.N

Ông Đinh Văn Hyướch (làng Jun, xã Yang Bắc) có thu nhập khá nhờ trồng thêm rau màu trong vườn. Ảnh: L.N

Từ câu chuyện riêng, ông Hyướch cũng nhắc đến tinh thần chủ động rất đáng quý của dân làng Jun khi chung tay xây dựng nông thôn mới. Chỉ ra con đường phẳng lì chạy ngang nhà, ông cho biết đường sá trong làng đã được bê tông hóa 100%, trong đó, Nhà nước hỗ trợ vật liệu, người dân góp công thực hiện. Nhiều gia đình còn trồng hoa bên hàng rào để làm đẹp thêm đường làng ngõ xóm.

Không chỉ vậy, làng Jun còn nổi bật với nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Sáng 22-5, lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm tại làng đã bế mạc sau 2 ngày tổ chức. Lớp học thu hút 35 học viên trong làng tham gia. Một trong 2 nghệ nhân truyền nghề là bà Đinh Thị Hdyêp. Khéo tay và học dệt từ nhỏ nên bà Hdyêp dệt được tất cả các loại trang phục, hoa văn đặc trưng của đồng bào Bahnar. Giơ cao 1 chiếc áo thổ cẩm, bà khoe dòng chữ mà bản thân đã kỳ công dệt nổi ngang ngực áo, như một niềm tự hào: “Làng Jun, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ”. Nói về lý do nhận lời đứng lớp tại các lớp dạy dệt thổ cẩm, bà Hdyêp bày tỏ: “Truyền thống là do ông bà xưa truyền lại, con cháu không thể nào bỏ được. Phải có trang phục truyền thống mặc trong các dịp lễ hội thì mới vui”. Với tâm huyết gìn giữ bản sắc, bà còn có thêm nguồn thu nhập từ việc bán các sản phẩm cho người dân trong làng cũng như khách phương xa.

Đất không phụ người

Ngoài đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, một bộ phận dân tộc Mông di cư từ tỉnh Cao Bằng vào Đak Pơ từ thập niên 80 của thế kỷ trước cũng xem nơi này là “đất lành”. Sau hơn 40 năm định cư trên vùng đất mới, bà con đã dần có cuộc sống ổn định với tổng cộng 158 hộ. Bà Nông Thị Sua (SN 1956, làng Mông, xã Ya Hội) kể: “Những lần về thăm quê, tôi càng thấy quyết định chuyển vào Gia Lai sinh sống là đúng đắn. Chỉ riêng chuyện đường sá đi lại thì ở đây đã thuận tiện hơn nhiều rồi. Năm trước, tôi về thăm quê, xuống xe trời đã tối, sau đó còn phải đi bộ đường núi khoảng 5 cây số nữa thì mới về tới nhà vào lúc… nửa đêm”. Bà Sua hồ hởi chia sẻ thêm: Đất đãi người, tại Ya Hội, gia đình bà đã gầy dựng được kinh tế vững chắc với thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm từ trồng mía, keo…

Ông Đinh Seng (bìa phải)-Trưởng thôn Kuk Kôn, xã An Thành cùng cán bộ văn hóa xã đến thăm hỏi một gia đình từng theo tà đạo "Hà Mòn”. Ảnh: L.N

Ông Đinh Seng (bìa phải)-Trưởng thôn Kuk Kôn, xã An Thành cùng cán bộ văn hóa xã đến thăm hỏi một gia đình từng theo tà đạo "Hà Mòn”. Ảnh: L.N

Không gì bằng chí thú làm ăn ở quê nhà là điều hơn 100 người dân 2 làng Kuk Kôn, Kuk Đak (xã An Thành) nhận ra sau khoảng thời gian bị kẻ xấu lôi kéo tham gia tà đạo “Hà Mòn”, từ đó trở về con đường sáng. Ông Đinh Seng-Trưởng thôn Kuk Kôn-thông tin: Năm 2008, các hộ theo tà đạo bỏ bê việc làm ăn, từ bỏ sinh hoạt truyền thống. Từ sự vào cuộc vận động của cả hệ thống chính trị, họ dần hòa nhập, biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sau gần 10 năm xóa bỏ tà đạo, nhiều hộ trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, điển hình như gia đình anh chị Đinh Kứ-Đinh Thị Tu với thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm từ cây mía và chăn nuôi trâu, bò.

Còn ông Đinh Prung-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kuk Đak thì khẳng định: “Giờ không ai còn muốn nhắc lại chuyện buồn của làng. Chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con chí thú làm ăn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng quê hương, quyết không để sai lầm lặp lại thêm một lần nào nữa”.

Phát triển toàn diện, bền vững

Trao đổi với P.V, bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: Từ một huyện thuần nông, xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay, Đak Pơ đã có bước phát triển toàn diện, bền vững trên các lĩnh vực. Có thể thấy rõ điều này nếu so sánh thành quả hiện tại với ngày đầu thành lập (ngày 9-12-2003). Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn chứng bằng những con số ấn tượng: So với năm 2004, hiện nay, tổng giá trị sản xuất tăng 11 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 12 lần, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 6 lần. Toàn huyện có 1.300 cơ sở sản xuất kinh doanh, tăng hơn gấp đôi so với cách đây 20 năm. Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng đạt nhiều kết quả vượt bậc. Đến nay, toàn huyện có 78,26% trường học đạt chuẩn quốc gia; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy… Đáng chú ý, năm 2015, công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ được xây dựng khang trang, xứng tầm với chiến thắng lịch sử.

Các tuyến đường của làng Jun (xã Yang Bắc) đều đã được bê tông hóa, cảnh quan hai bên sạch đẹp, xanh mát. Ảnh L.N

Các tuyến đường của làng Jun (xã Yang Bắc) đều đã được bê tông hóa, cảnh quan hai bên sạch đẹp, xanh mát. Ảnh L.N

Nói về những mục tiêu sắp tới trong phát triển kinh tế-xã hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ khẳng định: Huyện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với quyết tâm chính trị cao để xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển.

“Trước mắt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII; huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế bền vững. Cùng với đó, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa-thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Mặt khác, tăng cường quốc phòng-an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân”-bà Thương nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm