Thời sự - Sự kiện

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đak Pơ: Thiêng liêng, nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong niềm xúc cảm thiêng liêng, lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đak Pơ (24/6/1954-24/6/2024) diễn ra sáng 24-6 tại Di tích Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ đã kết nối tâm thức các thế hệ bằng lòng tự hào về ký ức không quên của một trận đánh lịch sử.

Bản hùng ca Đak Pơ

Tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đak Pơ, về phía lãnh đạo tỉnh có Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành; đại diện lãnh đạo 16 huyện, thị xã, thành phố và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

Về phía các lực lượng vũ trang có Thiếu tướng Cao Phi Hùng-Phó Tư lệnh Quân khu 5; Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh-Chính ủy Quân đoàn 3; Đại tá Nguyễn Thế Bích-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Binh đoàn 15.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Gia Lai chụp ảnh lưu niệm cùng các nhân chứng lịch sử của chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: Lam Nguyên

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Gia Lai chụp ảnh lưu niệm cùng các nhân chứng lịch sử của chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: Lam Nguyên

Đặc biệt, chương trình có sự góp mặt của các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, du kích địa phương từng trực tiếp tham gia trận Đak Pơ; thân nhân liệt sĩ, thân nhân những người đã tham gia trận đánh; đại biểu các Trung đoàn 96, 108, 803. Sau 70 năm, đến nay, họ đều đã tuổi cao sức yếu, đi đứng luôn cần có người dìu đỡ song vẫn dành sức trở về để được ôn lại ký ức về bản hùng ca Đak Pơ.

Xúc động nhất là trường hợp của Đại tá Hồ Xuân Cảnh-nguyên chiến sĩ Trung đoàn 803, nguyên Chánh Thanh tra Quân khu 5. Ở tuổi 95, từ Đà Nẵng, ông vẫn vượt khoảng cách địa lý xa xôi để về tham dự lễ kỷ niệm dù đã mắt mờ, chân run. Có lẽ hơn ai hết, ông hiểu rằng bản thân sẽ khó có ngày quay trở lại thêm một lần nữa. Ông Cảnh cho hay, trước đây, bản thân không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng phối hợp hỗ trợ về thông tin hữu tuyến cho trận chiến này. “Tôi rất xúc động khi được trở về thăm vùng đất nơi anh em đồng đội còn nằm lại rất nhiều. Họ đã hy sinh cho Tổ quốc”-ông chia sẻ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đánh hồi chuông thỉnh anh linh các liệt sĩ tại lễ viếng. Ảnh: Lam Nguyên

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đánh hồi chuông thỉnh anh linh các liệt sĩ tại lễ viếng. Ảnh: Lam Nguyên

Tại buổi lễ, các đại biểu thành kính thực hiện nghi thức viếng, dâng hương, dâng hoa để tưởng niệm và bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong trận đánh Đak Pơ lịch sử cách đây tròn 70 năm. Sự hy sinh ấy tiếp tục được tôn vinh trong chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đak Pơ-Bản hùng ca ngày mới” do tập thể diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San thực hiện.

Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đak Pơ, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhận định: Chiến thắng Đak Pơ là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng ở Tây Nguyên, làm cho quân Pháp ở Tây Nguyên suy sụp tinh thần, tiêu diệt lượng lớn sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh và là sự kiện mang tầm vóc của Liên khu V. Đây cũng là niềm tự hào của các thế hệ người dân huyện Đak Pơ nói riêng và của tỉnh Gia Lai nói chung.

Trong trận chiến này, lực lượng của ta khá mỏng, vũ khí thô sơ, còn quân địch rất đông, có các phương tiện và vũ khí hiện đại. Nhưng với quyết tâm cao độ, Trung đoàn 96 (Liên khu V) đã phối hợp với bộ đội địa phương và du kích lợi dụng địa hình của Đak Pơ lúc bấy giờ tổ chức trận phục kích trên đường 19, đánh tan Binh đoàn cơ động 100-Binh đoàn Âu Phi tinh nhuệ nhất của thực dân Pháp. Chiến thắng còn được ví là Điện Biên Phủ của Liên khu V bởi đây là lần đầu tiên bộ đội Liên khu V tiêu diệt được một binh đoàn cơ động của địch, giải phóng hoàn toàn huyện An Khê (cũ) và đường 19, mở rộng tuyến giao thông trong vùng tự do.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng Đak Pơ đã có tác động tích cực đến việc buộc Pháp ký Hiệp định Genève, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương nên đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng hiệu quả cao.

Từ phải sang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin và Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thắp nén tâm hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: L.N

Từ phải sang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin và Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thắp nén tâm hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: L.N

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh cảm khái: “Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân quân du kích, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cùng toàn thể các lực lượng vũ trang và Nhân dân đã tận tâm, tận lực, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình, cùng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử”.

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: “Viết tiếp những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta tự hào và tin tưởng rằng những khó khăn sẽ được tháo gỡ, những thách thức rồi sẽ vượt qua với tất cả sự quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ, nhiệt huyết; với tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Chúng ta, với tất cả trách nhiệm, lý trí và nghị lực, hãy sống, làm việc, cống hiến hết sức mình. Hãy nỗ lực vươn lên bằng trí tuệ, niềm tin, lòng yêu nước nồng nàn trong từng nhịp đập của trái tim. Hãy góp sức, nỗ lực nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, cho xã hội, cho cộng đồng, cho gia đình và bản thân. Hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, quyết tâm xây dựng tỉnh Gia Lai, xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa

Đến với buổi lễ trọng này, ông Thái Diệp-đại diện các cựu chiến binh từng tham gia trận đánh Đak Pơ không khỏi tự hào khi nhắc nhớ về một chiến thắng lẫy lừng được xem là mẫu mực của sự mưu trí, dũng cảm; là điển hình nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” của quân và dân ta. Người cựu chiến binh năm nay 96 tuổi cũng không thôi trăn trở về 147 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 96 và lực lượng vũ trang địa phương đã nằm lại nơi chiến địa xưa suốt 70 năm qua nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

“Chúng ta càng tự hào về chiến thắng, lại càng thương tiếc các anh hùng liệt sĩ. Trong những ngày này, chúng tôi luôn bồi hồi xúc động và tưởng nhớ đến đồng chí, đồng đội. Chúng tôi là những người may mắn sống sót và chứng kiến ngày đất nước hòa bình, thống nhất và vui mừng hơn nữa khi thấy vùng đất Đak Pơ đang từng bước vươn lên, thay da đổi thịt. Hiện nay, những người trực tiếp tham gia trận đánh Đak Pơ năm xưa không còn nhiều, số còn lại đều đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”. Chúng tôi vẫn đau đáu một nỗi niềm là làm sao tìm được 147 đồng đội đã hy sinh để tiện hương khói, tri ân”-ông Thái Diệp trải lòng.

Niềm vui ngày gặp lại của những chiến sĩ Đak Pơ năm xưa. Ảnh: L.N

Niềm vui ngày gặp lại của những chiến sĩ Đak Pơ năm xưa. Ảnh: L.N

Đó cũng chính là tâm tư của Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khi nhắc đến trận đánh Đak Pơ: “Trận đánh đã diễn ra cách đây đã 70 năm, thế nhưng đến nay chúng ta vẫn băn khoăn, trăn trở, ngậm ngùi khi còn nhiều liệt sĩ chưa xác định được đủ thông tin; nhiều cựu chiến binh vẫn đau đáu nỗi niềm tìm kiếm đồng đội; nhiều gia đình vẫn ngày đêm trông ngóng thông tin về người thân đã hy sinh trên chiến trường. Máu xương của các liệt sĩ đã hòa quyện vào lòng đất mẹ, góp phần cho ngày hôm nay đất nước ta được độc lập, tự do, Nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc”.

Tiếp nối mạch cảm xúc, Thiếu tướng Cao Phi Hùng-Phó Tư lệnh Quân khu 5-cũng chia sẻ về niềm xúc động khi được góp mặt tại buổi lễ, đồng thời gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã tổ chức buổi lễ trang nghiêm và xúc động này để các thế hệ hôm nay và mai sau biết đến chiến công của Trung đoàn 96 trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

“Mong rằng Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác chính sách hậu phương quân đội, tuyên truyền đẩy mạnh giáo dục truyền thống cách mạng trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong tình hình mới”-Thiếu tướng Cao Phi Hùng đề nghị.

Phần hoạt cảnh tái hiện trận đánh Đak Pơ cách đây 70 năm của tập thể diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Ảnh: L.N

Phần hoạt cảnh tái hiện trận đánh Đak Pơ cách đây 70 năm của tập thể diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Ảnh: L.N

Là 1 trong 8 công dân trẻ tiêu biểu tỉnh Gia Lai năm 2023, Trung úy Lê Tuấn Thành-Cán bộ Công an xã Hra (huyện Mang Yang) xúc động bày tỏ: “Truyền thống, đạo nghĩa là những giá trị mà tuổi trẻ không có quyền quên và không được phép quên. Trong nhiều năm qua, lớp lớp thanh niên Gia Lai đã cống hiến và trưởng thành để viết tiếp truyền thống anh dũng, bất khuất, cần cù, chịu thương, chịu khó, xung kích tình nguyện đi đầu trên tất cả mọi mặt trận, tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo; tiếp cận và lĩnh hội tri thức, sở hữu khoa học công nghệ, chủ động nhận lãnh và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Trung úy Lê Tuấn Thành cũng nêu quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng, kế thừa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc bằng những việc làm, hành động thiết thực, ý nghĩa: “Tuổi trẻ chúng tôi nguyện ra sức thi đua rèn đức, luyện tài, hăng hái, tích cực học tập, lao động, sản xuất, phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa mà cha ông đã tạo dựng; phấn đấu trở thành người công dân có ích, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng giàu mạnh, phát triển”.

Có thể bạn quan tâm