Ăn đậu bắp có thể giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ trị tiểu đường, chống ung thư…Tuy nhiên, không phải ai cũng ăn được đậu bắp và là ” đại kỵ” với một số người mắc các bệnh lý sau đây.
Đậu bắp còn có nhiều tên gọi khác như mướp tây, bông vàng, bắp chà hay thảo cà phê, okra (Anh), có tên khoa học cũ gọi là Hibicus enculentus L. (Albelmoschus enculentus Wight et Arn) thuộc họ Đông (Malvaceae). Là loại cây có nguồn gốc từ Tây Phi, có khả năng chịu đựng được nóng bức và khô hạn tốt, được gieo trồng ở những vùng nhiệt đới hay ôn đới, thấy phổ biến tại miền Nam Hoa Kỳ. Ở nước ta, đậu bắp được trồng ở nhiều nơi nhưng tập trung ở các tỉnh phía Nam.
Lợi ích khi ăn đậu bắp
Chữa táo bón
Đậu bắp có nhiều chất xơ, lượng chất xơ trong 100 gram đậu bắp bằng 10% lượng chất xơ cơ thể cần mỗi ngày. Do đó đậu bắp sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Ngoài ra, vitamin A trong đậu bắp cũng góp phần làm cho màng nhầy trong ruột kết thực hiện tốt chức năng của chúng, đó là làm cho việc đi tiêu dễ dàng hơn.
Giúp làm trắng và mịn da
Vitamin C và K trong đậu bắp cũng giúp giữ cho làn da của bạn tươi trẻ và khỏe mạnh. Các vitamin khác có mặt trong đậu bắp cũng giúp hỗ trợ sự tăng trưởng và sửa chữa các mô trong cơ thể, thúc đẩy sự hình thành collagen và sắc tố da, giúp trẻ hóa làn da bị hư hại.
Giảm cân
Đậu bắp có nhiều chất xơ, trong khi chứa ít calorie, rất thích hợp cho những người muốn ăn kiêng giảm cân. Tuy nhiên, những người bị lạnh bụng không nên ăn đậu bắp thường xuyên.
Hỗ trợ điều trị tiểu đường
Một số nghiên cứu đã chứng minh các sợi của đậu bắp giúp ổn định lượng đường trong máu. Nó giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và duy trì trạng thái cân bằng đường huyết với bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, kết quả này chỉ mang tính thời điểm chứ không trị dứt hẳn được tiểu đường.
Hỗ trợ khả năng sinh sản và sức khỏe khi mang thai
Hàm lượng folate trong đậu bắp cao là yếu tố đặc biệt quan trọng mà bạn nên cân nhắc khi muốn bổ sung vào chế độ ăn uống trước khi thụ thai vì nó “làm giảm tỉ lệ dị tật ống thần kinh ở con”. Tương tự như vậy, ăn nhiều folate trong thai kỳ giúp hỗ trợ một người mẹ và em bé khỏe mạnh.
Tăng cường thị lực
Lượng vitamin A và vitamin C có nhiều trong đậu bắp cũng giúp tăng cường thị lực. Phòng ngừa các bệnh về mắt.
Làm đẹp tóc
Cắt đậu bắp thành những miếng nhỏ, thả vào nước đã đun sôi, đun chừng 10 phút nữa rồi tắt bếp, mở nắp nồi cho nguội nước. Tiếp đó, trộn nước này với một muỗng cà phê nước cốt chanh, thoa lên tóc và để khoảng 15 phút thì gội với nước sạch. Chất nhầy và các dưỡng chất bên trong đậu bắp kết hợp với nước chanh sẽ giúp cho mái tóc của bạn trở nên chắc khỏe và bóng mượt hơn.
Hỗ trợ xương chắc khỏe
Nhờ vitamin K và folate, đậu bắp cũng được coi là cứu tinh trong việc ngăn ngừa mất xương và chống đỡ bệnh loãng xương.
Những người cần tránh ăn đậu bắp
Bệnh nhân có vấn đề về đường ruột
Đậu bắp chứa nhiều fructan – một dạng carbohydrate có thể gây tiêu chảy, đầy hơi ở những bệnh nhân vốn có vấn đề về đường ruột. Điều đáng lưu ý là bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích và một số bệnh đường ruột khác dễ nhạy cảm với thực phẩm có hàm lượng fructan cao như đậu bắp.
Người viêm khớp, đau khớp nhạy cảm với thành phần solanine
Đậu bắp chứa solanine vốn có liên quan với đau khớp, viêm khớp và viêm kéo dài ở một tỉ lệ nhỏ người nhạy cảm với thành phần này. Solanine cũng hiện diện trong khoai tây, cà chua, cà tím, dâu tây và atisô. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đề xuất nên hạn chế dùng solanine và điều ngược lại dường như có ý nghĩa hơn là rau quả nói chung kéo giảm tình trạng viêm.
Bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu
Ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng vitamin K cao có tác dụng ngược đối với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin – là loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa kết tụ huyết khối làm nghẽn đường dẫn máu vào tim hoặc não. Vitamin K cũng bị xem là trợ giúp cho huyết khối hình thành, làm cho đường truyền máu tới tim hoặc não bị tắc nghẽn cực nguy hiểm.
Người bị sỏi thận
Những ai từng mắc sỏi thận cũng đều tránh dùng quả đậu bắp bởi vì quả đậu bắp có chứa lượng oxalate lớn dễ tạo nên sỏi thận với dạng calcium oxalate.
Tác hại khi ăn nhiều đậu bắp
Ăn nhiều đậu bắp mỗi ngày có thể khiến một số người phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe như:
Tăng nguy cơ sỏi thận
Trong đậu bắp có chứa nhiều oxalat. Theo nhiều khuyến cáo từ viện nghiên cứu, ăn nhiều thực phẩm giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận dạng canxi oxalat. Do đó, những người đang bị bệnh sỏi thận nên hạn chế ăn nhiều đậu bắp, cũng như các thực phẩm giàu chất oxalat.
Gây ra bệnh tiêu chảy
Đậu bắp có chứa fructans – một loại carbohydrate. Ăn nhiều thực phẩm chứa fructans có thể gây ra các tình trạng tiêu chảy, đầy hơi, chuột rút ở những người có vấn đề đường ruột, đặc biệt là người bị hội chứng ruột kích thích.
Ngoài ra ăn đậu bắp bị tiêu chảy thì có thể là do vệ sinh thực phẩm không sạch. Mặc dù đây là thực phẩm có lợi cho những người mắc bệnh táo bón nhưng đối với người bụng cồn cào hay đau bụng thì không nên ăn đậu bắp.
Viêm khớp
Mặc dù không phổ biến, nhưng một tỷ lệ nhỏ người có thể sẽ bị tăng tình trạng đau khớp, viêm khớp và viêm khớp kéo dài nếu ăn đậu bắp thường xuyên. Nguyên nhân là do trong đậu bắp có chất solanine, đây là một hợp chất có thể gây ra các vấn đề liên quan đến xương khớp.
Cách sử dụng đậu bắp an toàn
Một tuần bạn có thể ăn đậu bắp 2 – 3 lần, mỗi lần ăn khoảng 100 - 150g bắp kết hợp với những thực phẩm khác trong bữa ăn là đã có thể cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết cho một ngày.
|
Theo Thanh Huyền (Tổng hợp/TPO)