Dấu chân đức Phật ở chùa Phạ Bạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi đến Nam Lào, du khách thường đổ về tỉnh Champasak, bởi nơi đây có những danh thắng nổi tiếng như chùa Wat Phu, Wat Luang, Khách sạn Hoàng gia Champa (cung điện của vị vua Nam Lào Bun Ụm)…, trong đó không thể không đến chùa Phạ Bạt (Wat Phabat), nơi có dấu chân Đức Phật nổi tiếng.
Chùa Phạ Bạt còn có tên khác là gọi là chùa Tiên, tọa lạc tại bản Phạ Bạt, cửa ngõ vào trung tâm thủ phủ Pakse. Đây là ngôi chùa Lào nổi tiếng với khuôn viên rộng rãi, rất nhiều “vat” (tháp) xung quanh, trầm tư bên bờ sông Sê Đon huyền bí. Chùa càng nổi tiếng hơn khi có dấu chân Phật gắn với truyền thuyết li kỳ.
Ngoại cảnh chùa Phạ Bạt (Lào). Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng
Chuyện kể ngày xưa, khi Đức Phật tìm chỗ để thọ cơm buổi trưa đi thuyết pháp vùng này, ngài tìm mãi mà chưa có chỗ vừa ý để ngồi, vì khu đất xung quanh đó đều là bãi tha ma. Do vậy, một Vua Rồng có tên là Soukahathinak xuất hiện và bay đi khắp nơi tìm đất, đá đắp thành một ngọn đồi để Đức Phật ngồi. Sau bữa cơm, Vua Rồng thỉnh cầu Đức Phật in dấu chân lên ngọn đồi để đánh dấu đã đến nơi này. Đáp lại thiện chí, Đức Phật đã in dấu chân Người trên đá. Bàn chân có chiều rộng khoảng 70 cm, dài khoảng 220 cm và độ sâu khoảng 10 cm. Đó là bàn chân phải, các móng chân dài và đẹp, mũi chân hướng về phía sông Sê Đon. Trong lòng bàn chân có in hình Bánh xe Luân hồi, rất nhiều hoa sen và 108 các loài động vật khác nhau. Sau khi có dấu chân Phật như lời thỉnh cầu, Vua Rồng làm một buổi lễ thật long trọng để tạ ơn và bay về biển. Từ đó người ta cho đây là khu đất thiêng nên quyết định xây dựng một ngôi chùa để thờ tự. Và chùa Phạ Bạt ra đời, Phạ Bạt trong tiếng Lào có nghĩa là “dấu chân Đức Phật”.
Sở dĩ chúng tôi không đo được chính xác kích thước của bàn chân Phật là vì không được phép đến khu vực thờ tự. Khi tìm tư liệu, người viết bài này đã nhiều lần đến chùa Phạ Bạt làm quen với các “khu pa” (thầy tăng) để tìm hiểu về truyền thuyết bàn chân Phật. Sau đó, chúng tôi lại đi khắp bản Phạ Bạt và vùng lân cận để thu thập thêm thông tin. Để có được bức ảnh bàn chân của Đức Phật, chúng tôi phải mất ba buổi chiều để “trực” ở chùa Phạ Bạt. Khuôn viên nơi có dấu chân Đức Phật được xây thành một khu thờ tự riêng biệt hết sức trang nghiêm. Thông thường “chậu hủa” (sư ông) trụ trì của chùa mới được quyền giữ và mở khóa. Cửa chỉ mở khi có phật tử đến cúng viếng dịp lễ quan trọng.
Như có duyên, buổi chiều ngày thứ ba, chúng tôi “lọt” được vào điện cùng với một phái đoàn phật tử từ Viêng Chăn về lễ Phật. Nơi thờ bàn chân Đức Phật hết sức thiêng liêng. Bàn chân được sơn thếp vàng rực rỡ, xung quanh là tượng và tranh Đức Phật nằm, Đức Phật tọa trên tòa sen và các vị chư Phật khác. Lễ vật, hương hoa đầy ắp. Một gian điện thờ bên cạnh làm nơi đặt lễ cúng trước đó, vì bàn thờ tại đây không còn chỗ. Chứng kiến trọn vẹn một buổi “xầy bạt” (lễ cúng) của phật tử Lào, mới thấy người Lào đối với nơi này hết sức thành kính và tôn nghiêm.
Ngôi chùa Phạ Bạt đã có từ lâu lắm không ai biết rõ. Các cụ cao niên cho biết ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại trên nền chùa cũ cách đây ngót 70 năm. Vị khai sơn của  ngôi chùa tên là  Khụ Non Lụ Nặn Thô, sinh năm 1910 và viên tịch năm 2009. Hiện nay trước chùa có một tháp lớn thờ vị khai sơn với một bức tượng tạc chân dung của Người, lúc nào cũng nghi ngút hương khói. 
Cùng với những ngôi chùa khác, chùa Phạ Bạt đã tạo nên một nét kiến trúc riêng biệt của một quốc gia Phật giáo: “Vat” (chùa) và dòng sông Nặm Khỏng chầm chậm trôi, bình yên trong cõi vô thường.
Nguyễn Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm