Đau lòng học Cao đẳng sư phạm, không được tuyển dụng giáo viên tiểu học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc người học hệ cao đẳng sư phạm (CĐSP) không được tham gia tuyển dụng viên chức giáo viên tiểu học khiến nhiều người bị thiệt thòi, ngân sách lãng phí.

 

Vừa qua UBND TP Pleiku, tỉnh Gia Lai có kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên năm 2020. Trong đó, quy định người ứng tuyển vào trị trí giáo viên tiểu học, trung học sơ sở bắt buộc phải có trình độ đại học trở lên.

Theo đó, Kế hoạch số 2619/KH-UBND tuyển dụng 143 viên chức giáo viên vào làm việc tại các trường công lập thuộc ngành GD-ĐT TP Pleiku. Đáng chú ý, điều kiện để đăng ký tuyển dụng đối với 30 vị trí giáo viên tiểu học là phải có bằng tốt nghiệp đại học SP trở lên. Chính vì chỉ tiêu này, khiến nhiều người đã tốt nghiệp hệ CĐ hoặc đang học lên ĐH không có cơ hội để ứng tuyển.

Việc đưa ra tiêu chí này được UBND TP Pleiku căn cứ vào công văn số 1381 ngày 1-9 của Sở Nội vụ Gia Lai về trình độ chuyên môn trong tuyển dụng giáo viên năm 2020.


 

 Nhiều người tốt nghiệp CĐSP không được tuyển dụng làm giáo viên tiểu học, trung học cơ sở
Nhiều người tốt nghiệp CĐSP không được tuyển dụng làm giáo viên tiểu học, trung học cơ sở


Chị H. một người đã tốt nghiệp CĐSP Gia Lai ngành Giáo dục tiểu học nói khi tuyển sinh đầu vào, ngoài việc đảm bảo điểm số, chỉ lấy nguyện vọng 1, sinh viên còn phải có sổ hộ khẩu tại tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên khi vừa ra trường thì lại không được ứng tuyển là rất thiệt thòi.

"Trong khi đó chúng tôi đã ra trường, đang học nâng cao bằng cấp thì không được ứng tuyển là rất thiệt thòi" – chị H. nói và lo lắng khi mình đạt chuẩn thì bao giờ mới có đợt tuyển dụng tiếp theo.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường CĐSP Gia Lai, theo Luật Giáo dục năm 2019, có hiệu lực từ 1-7-2020 và Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định chuẩn trình độ của nhà giáo theo các cấp học. Đặc biệt các cấp mầm non phải có trình độ CĐ, tiểu học và trung học cơ sở phải có trình độ ĐH.

Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư thực hiện lộ trình chuẩn hóa giáo viên gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 1-7-2020 tới 31-12-2025, đạt 60% giáo viên đạt chuẩn. Giai đoạn 2 từ 1-1-2026 tới 21-12-2031, đạt 100% giáo viên đạt chuẩn. Tuy nhiên, các quy định này không đề cập đến đối tượng giáo viên tuyển dụng mới.

Theo bà Hà, các sinh viên CĐSP được đào tạo bằng nguồn ngân sách của tỉnh với số tiền gần 40 triệu đồng/3năm. Hiện nay nhà trường vẫn đang đào tạo 2 lớp với 62 sinh viên. Việc không tuyển dụng các đối tượng này để phục vụ cho ngành giáo dục là vô cùng lãng phí.

"Tại thời điểm thí sinh đăng ký vào học, khi đó đạt chuẩn. Khi chính sách thay đổi thì các em không đủ chuẩn để tuyển là thiệt thòi rất lớn cho các em. Mà chính sách các em không thể đi tắt đón đầu để đáp ứng được" – bà Hà nói và mong muốn chính quyền địa phương tuyển dụng sao cho đảm bảo ngân sách nhà nước không bị lãng phí, quyền lợi người học không bị vi phạm.

Bà Hà cũng đưa ra gải pháp là cho những người học CĐSP có cơ hội thi tuyển nhưng yêu cầu cam kết đến thời gian nhất định phải đạt chuẩn trình độ theo quy định. Như vậy vừa đỡ lãng phí ngân sách, vừa đảm bảo quyền lợi người học CĐSP.

Theo Sở Nội vụ Gia Lai, Luật Giáo dục 2019 đã yêu cầu đối với giáo viên mầm non thì phải có bằng CĐ, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có bằng đại học. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chưa ban hành các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Chính vì vậy, Sở Nội vụ đã gửi văn bản ra Bộ GD-ĐT đề nghị hướng dẫn việc tuyển dụng. Tại văn bản trả lời do ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nêu rõ: "Tiêu chuẩn về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thực hiện theo quy định tại điểm a, b, khoản 1, điều 72, Luật Giáo dục 2019". 

Theo HOÀNG THANH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm