Kinh tế

Nông nghiệp

Đầu năm thăm "lão nông tri điền" Nguyễn Đức Tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thay vì du xuân ở những địa điểm vui chơi giải trí, ngày đầu năm Canh Tý 2020, tôi quyết định “xông đất” nhà “lão nông tri điền” Nguyễn Đức Tỉnh (thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) như đã hẹn. 
Đi đầu với mô hình đa cây
Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán nhưng lão nông Nguyễn Đức Tỉnh vẫn khoác lên người bộ quần áo lao động như thường ngày và tranh thủ ra thăm vườn. Bởi với ông, đó đã là thói quen từ nhiều năm nay. Và rồi “nhập gia tùy tục” thay vì trò chuyện bên ly trà, khay bánh mứt, tôi theo chân gia chủ ra thăm vườn. Bên vườn đinh lăng xanh mướt và giàn chanh dây trĩu quả, ông Tỉnh bộc bạch: Hơn 20 năm trước, gia đình ông rời mảnh đất Hòa Bình vào Gia Lai lập nghiệp. Với số tiền vốn ít ỏi mang theo (11 triệu đồng), ông mua được 2,7 ha đất để trồng cà phê. 3 năm sau, ông cũng thử sức với cây hồ tiêu nhưng vì không có vốn nên chỉ trồng vỏn vẹn 13 trụ tiêu. Vừa làm, vừa tự mày mò, học hỏi và ông cũng tự nhận là có  thêm chút may mắn nên diện tích đất sản xuất của gia đình ngày một mở rộng. Đến năm 2012, gia đình ông đã có trong tay 3 ha cà phê và 2 ha tiêu.
“Thời gian sau, cây hồ tiêu bị chết nhiều nên tôi chuyển dần một phần diện tích sang một số loại cây trồng khác và hiện chỉ giữ lại hơn 400 trụ tiêu”-ông Tỉnh cho hay. Nói rồi ông nhẩm tính, ngoài 3 ha cà phê năm vừa rồi thu khoảng 460 triệu đồng, chưa trừ chi phí, trong vườn còn có các loại cây như: 300  cây đinh lăng; 200 cây mít Thái và mít Mã Lai; 200 cây bơ booth và bơ 034; 200 cây chanh dây; 3.000 cây cau và gần 100 cây cam, cây quýt mới trồng...
Đinh lăng được trồng xen trng vườn tiêu. Ảnh: Anh Huy
Đinh lăng được trồng xen trong vườn hồ tiêu. Ảnh: Anh Huy
Đưa tay hái vài trái chanh dây đã chín, lão nông này nói như khoe rằng, mình là một trong số ít người tiên phong trồng chanh dây và đinh lăng tại xã Ia Băng. Năm 2013, sau khi tham quan vài mô hình trồng chanh dây, ông đã quyết định nhờ người quen mua 300 cây chanh dây tận bên Đài Loan về trồng. “4 tháng sau, chanh dây cho thu hoạch và thời điểm giá cao, có ngày tôi thu tới 30 triệu đồng. Những năm sau đó, người dân bắt đầu trồng ồ ạt nên giá không còn cao nên tôi cũng chuyển hướng sang trồng thêm nhiều loại cây trồng khác”-ông Tỉnh cho hay.
Chỉ tay về phía cây đinh lăng khá cao, ông Tỉnh nói thêm, diện tích đinh lăng trong vườn đều 4-6 năm tuổi. Thông thường khoảng 3 năm tuổi, cây đinh lăng có thể thu hoạch nhưng càng để lâu thì giá trị càng cao và ông đang bán với giá 300 ngàn đồng/cây khoảng 6 năm tuổi (mỗi củ nặng 3-5 kg). Theo ông Tỉnh, cây đinh lăng không khó trồng, lại ít sâu bệnh và hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử 1 ha đinh lăng nếu trồng dày có thể trồng được khoảng 3 vạn cây và với giá bán 300 ngàn đồng/cây thì vài năm sau sẽ cho thu nhập rất cao. Riêng diện tích cam, quýt mới trồng, ông Tỉnh thông tin, 100 cây nếu chăm sóc tốt cho thu khoảng 6 tấn loại 1 và với giá bán hiện tại là 25 ngàn đồng/kg... 
“Kỹ sư chân đất”
Không chỉ đi đầu với mô hình đa cây, lão nông dân tộc Mường còn được biết đến với nhiều cách làm hay và hiệu quả. Chỉ tay về những chiếc chai nhựa treo lủng lẳng trên các dây kẽm giữa vườn, ông Tỉnh giải thích: “Nhỏ mà có võ đấy nhé! Bên ngoài các chai nhựa, tôi đều bôi các loại thuốc để nhử ruồi vàng. Vì ruồi vàng chính là nguyên nhân khiến chanh dây bị xoăn đọt và nhiều loại cây bị đụt quả”. Dẫn tôi đến bên cạnh những chiếc thùng phuy lớn màu xanh ở gần bể nước nơi góc vườn, ông Tỉnh nói tiếp, đây là các thùng ủ phân cá để bón cho cây. “Nếu tính giá thành thì phân cá cũng như các loại phân bón khác nhưng dùng loại phân này lại khá mất công. Vì cá sau khi mua về phải ủ trong thùng khoảng 1 tháng sau đó mới trộn thêm kali và hòa với nước để tưới cho cây được nhưng dùng phân này cây tốt, năng suất quả cao lại không sợ bỏ phân xong gặp nắng”-ông Tỉnh nói thêm.
Lão nông Nguyễn Đức Tỉnh giới thiệu về gốc chanh dây đã ghép. Ảnh: Anh Huy
Lão nông Nguyễn Đức Tỉnh giới thiệu về gốc chanh dây đã ghép. Ảnh: Anh Huy
Lão nông Nguyễn Đức Tỉnh quan niệm rằng, muốn cây trồng phát triển bền vững ngoài việc chọn giống thì các loại phân bón cũng không kém phần quan trọng. Do đó, ông luôn chọn mua những loại phân tốt dù giá thành cao hơn so với các loại khác hoặc chọn loại phân đòi hỏi phải ủ rất kỳ công... Một điều khác khiến lão nông này luôn tự hào khi nói về vườn cây 5 ha, đó là đa phần cây trồng đều do một tay ông ươm giống hoặc cắt ghép. Ông Tỉnh chia sẻ: “Hiện chỉ có diện tích mít Mã Lai và cam, quýt mới trồng là tôi chưa ghép, còn lại đều đã ghép hết. Để làm được điều đó, tôi cũng mất nhiều thời gian để học hỏi, nghiên cứu từ tuổi cây, màu lá, thời gian phù hợp cho việc ghép cây”. 
Lão nông chia sẻ, những năm trước, bình quân mỗi năm gia đình ông thu khoảng 1 tỷ đồng nhưng hiện tại thì giảm một nửa, vì giá cà phê thấp, chi phí nhân công cao và nhiều cây trồng đang trong giai đoạn thử nghiệm. Song sau gần 21 năm lập nghiệp ở vùng đất mới, giờ đây, lão nông này đã có quyền tự hào, vì đã sắm được ô tô và hoàn thành xong việc nuôi cô con gái út du học Hàn Quốc. Đặc biệt, theo thông tin trước đó từ Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Băng Nguyễn Sơn Động: “Năm 2019, hội viên Nguyễn Đức Tỉnh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” từ năm 2017-2019”.
Anh Huy

Có thể bạn quan tâm