Bờ kè dài trên 1km được thi công theo kết cấu kỹ thuật đóng 2 hàng cột bêtông ly tâm chạy dài song song và cách nhau 1,5m, sau đó thả đá vào giữa, vừa hạn chế sóng biển đánh sạt lở, vừa hình thành bãi ngầm để cây mắm, cây đước bám rễ phát triển, tạo nên rừng phòng hộ mũi Cà Mau.
Dự án bờ kè đang khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành trong quý 3-2011, trước khi bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão.
Tuy nhiên, việc xây dựng bờ kè này chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng sạt lở mũi Cà Mau hiện nay.
Về lâu dài, tỉnh Cà Mau cần trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, các bộ, ngành chức năng trung ương về một mô hình dự án, vừa chống sạt lở mũi Cà Mau hữu hiệu, bền vững, vừa tạo cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho vùng mũi đất Cà Mau.
Trước đây cũng như hiện nay, mũi Cà Mau chịu áp lực, tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhưng chính quyền và người dân vẫn thiếu những biện pháp bảo vệ đồng bộ kịp thời để đối phó với hiện tượng thiên nhiên nhiều bất lợi đó.
Những căn nhà nghỉ mát phục vụ khách du lịch đứng trơ vơ trước biển như không còn điểm tựa, cầu thang của nó chạm vào mặt nước, du khách không còn lên xuống được. Thảm rừng phòng hộ nơi đây đã mất từ lâu, không còn bảo vệ được mũi đất, làm biến dạng mũi Cà Mau.
Theo các nhà khoa học, mũi Cà Mau là nơi tiếp giáp của 2 dòng hải lưu Bắc-Nam và Tây-Nam, với 2 chế độ thủy triều khác nhau là bán nhật triều và nhật triều, hình thành nên vùng bãi bồi rộng lớn nằm dọc bờ biển phía Tây-Nam tỉnh Cà Mau nhờ phù sa lắng đọng.
Chính vì vậy, mũi Cà Mau vốn có một khả năng lấn biển kỳ diệu mà người Cà Mau luôn tự hào về nơi ấy là “đất biết sinh và rừng biết đi,” tạo nên nét đặc trưng độc đáo của mảnh đất thiêng nơi vùng cực Nam Tổ quốc.
Theo TTXVN