Xã hội

Gia đình

Dạy con nhân cách

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 1. Tôi dắt đứa con trai ba tuổi sang nhà cô hàng xóm để thăm cô ấy bị ốm. Vân, 26 tuổi, đã li dị chồng, nuôi hai đứa con đang độ tuổi đi học. Mỗi tối phụ việc ở chợ đêm, Vân được trả 150 ngàn đồng, làm ngày nào nhận tiền ngày ấy, không hợp đồng lao động, không bảo hiểm.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Hôm trước, trên đường rẽ vào hẻm trước nhà thì Vân bị trượt chân, ngã xe máy bị gãy tay. Nhìn Vân băng bó tay chở hai con đi học, tôi thấy xót xa. Tôi bỏ phong bì số tiền thưởng ngày Quốc khánh 2-9 đem sang cho Vân, gọi là thăm ốm. Vừa dắt tay con, tôi vừa nói với con vài câu, đại ý “Sống ở trên đời, bố mẹ, con hay bất kỳ ai khác đều cần biết yêu thương, chia sẻ với những người khó khăn hơn mình. Mẹ biếu cô Vân chút quà là vì cô Vân bị ốm, không làm được việc, vì cô Vân là hàng xóm nhà mình và đang rất cần sự động viên, chia sẻ của mọi người”. Tôi nói với con mà như đang nói với chính mình vậy, vì tôi biết, con còn quá nhỏ để hiểu được những lời của mẹ. Thế nhưng, khoảng hơn một tháng sau, khi nghe tin ông nội bị ốm nằm viện, cu cậu bèn nói với tôi:  “Mẹ đến thăm ông nội đi, ông nội ốm đấy, ông nội cảm ơn mẹ đấy”... 
2. Lại nhớ, trong một sáng trên đảo, trên đường trở về khách sạn, tôi thấy một con cá lóc bằng hai ngón tay nằm trên nền gạch, mình lấm lem cát. Tôi chạm vào thấy nó quẫy rất mạnh. Tôi biết cá lóc không sống ở biển nên gọi con trai mình quay lại. Tôi kể với con về loài cá, cá cần sống ở nước, và mình phải cứu con cá này. Thấy vũng nước cách đó hơn mười mét, tôi cùng với con đem cá thả vào vũng nước, con cá quẫy mình rồi bơi lẫn dưới đám rau muống. Sau bữa cơm tối, trong cuộc chuyện trò với bố, con bi bô kể: “Hôm nay con đã làm được việc tốt, con đã cứu một bạn cá. Bạn ấy đã cảm ơn con. Ít hôm nữa bạn ấy lớn, bạn ấy cũng sẽ giúp đỡ người khác giống con, bố nhỉ…”.
3. Những câu chuyện viết cho thiếu nhi nổi tiếng như Hoàng tử bé, Totochan-cô bé ngồi bên cửa sổ, Chuyện con mèo dạy hải âu bay… đã xuất bản cách đây khá lâu nhưng tôi cho rằng, với các bậc làm cha mẹ hiện nay, chúng vẫn nguyên giá trị. Những câu chuyện về cách cư xử của trẻ con khiến người lớn phải suy ngẫm về lối sống của mình. Tại sao con trẻ hiền hòa như thế, mọi con vật với chúng đều là bạn, vậy mà lớn lên trẻ lại vô cảm, lại không có ý thức bảo vệ môi trường, yêu thương động vật, đồng loại… Phải chăng, yêu thương là bản năng, rồi quá trình sinh tồn, vì mưu sinh cuộc sống mà con người trở nên chai lì, khô cứng cảm xúc; hay do lỗi của quá trình giáo dục làm tiềm năng của trẻ không còn được phát huy, nhiều khi lại để lại những hậu quả mà phải hàng chục năm sau, các nhà quản lý phải đương đầu nghĩ cách giải quyết. 
Ta hay nói về sự vô cảm của giới trẻ trong thời đại công nghiệp hóa với lối sống gấp gáp. Ta cũng thường đổ lỗi cho chỗ này, góc kia về giáo dục nhân cách. Tuy nhiên, xã hội phát triển, đòi hỏi các bậc làm cha mẹ cần phải tinh tế hơn trong cách dạy con, hơn ai hết cha mẹ là người gần gũi và hiểu rõ lối sống, đặc điểm tâm lý của con cái mình trong giáo dục nhân cách sống để con có thể phát triển tâm lý hoàn thiện. Là người công tác trong ngành Giáo dục, tôi hiểu rằng, triết lý giáo dục của thế kỷ XXI là giáo dục chạm đến trái tim. Để chạm đến trái tim của con trẻ, việc cốt yếu và cần thiết là nêu gương và cho con tham gia vào quá trình giáo dục, qua đó trẻ cảm nhận, tự rút ra được bài học cho bản thân trẻ. Dạy con là điều không hề dễ dàng, chính vì vậy các bậc làm cha mẹ cũng cần phải nghiên cứu, tìm tòi để tìm ra được phương cách giáo dục tốt nhất cho con của mình để những đứa trẻ được phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ và lối ứng xử phù hợp.
Tạ Ngọc Điệp

Có thể bạn quan tâm