Xã hội

Gia đình

Dạy con thoát khỏi đám cháy thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ đâu và bất cứ khi nào, do đó việc trang bị kỹ năng thoát hiểm cho con khi có cháy rất cần thiết.

Trang bị kỹ năng xử lý trong đám cháy không bao giờ thừa, nhất là với trẻ em - Ảnh: Offutt Air Force Base
Trang bị kỹ năng xử lý trong đám cháy không bao giờ thừa, nhất là với trẻ em - Ảnh: Offutt Air Force Base



Dưới đây là một số kỹ năng mà phụ huynh có thể dạy con trong trường hợp không may xảy ra.

Phát hiện sớm

Khi các em ngửi thấy mùi khét hoặc nhìn thấy lửa bắt lên trong nhà thì CẦN gọi ngay cho người lớn ở gần nhất để thông báo. Trường hợp nếu một ở nhà một mình thì NÊN gọi ngay cho số điện thoại cứu hỏa khẩn cấp (114).

Tìm lối thoát ngay lập tức

Cha mẹ CẦN chỉ cho con những lối thoát trong nhà hoặc nhắc nhở con để ý lối thoát hiểm khi đến một tòa nhà mới (bảng chữ EXIT màu xanh).

Nếu ở nhà cao tầng, các em nhất thiết KHÔNG được đi thang máy vì thang máy có thể bị ngắt điện trong hỏa hoạn. Thay vào đó cần hướng dẫn bé thoát bằng thang bộ. Trường hợp vị trí của bé gần sân thượng hơn thì NÊN chạy thang bộ lên trên thay vì xuống dưới như thông thường.

Nhắc nhở các em KHÔNG được chần chừ mang theo các đồ đạc, vì tâm lý trẻ em thường tiếc một vài món đồ nào đó. Nếu lửa đã cháy lớn thì tuyệt đối KHÔNG được nán lại để gọi chữa cháy mà phải chạy ra ngoài ngay lập tức.

Không mở cửa nếu lửa cháy bên ngoài, trẻ còn bên trong

Trường hợp đang ở trong phòng mà nhà đang bị hỏa hoạn, nếu các em thấy khói bên dưới cánh cửa thì tuyệt đối KHÔNG được mở cửa.

Nếu không thấy khói, các em thử chạm nhẹ vào cửa. Trường hợp cửa nóng thì KHÔNG mở cửa.

Nếu không thấy khói và cửa cũng không nóng, dùng tay chạm nhẹ vào nắm cửa. Trường hợp nắm quá nóng thì cũng KHÔNG được mở cửa.

Nếu mở cửa mà thấy khói tràn vào thì PHẢI đóng cửa lại. Trường hợp không có khói, tìm ngay lối thoát để chạy ra.

Trong hỏa hoạn, các em thường có tâm lý lo sợ, tuy nhiên KHÔNG bao giờ nằm trốn dưới gầm giường hoặc núp trong mền vì các chiến sĩ cứu hỏa sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm các em.

Khi không thể thoát ra ngoài, CẦN hướng dẫn các bé ngăn lửa vào phòng trong khi đợi người đến cứu bằng cách chặn những khe hở để khói không thể lan vào bằng cách dùng màn, mền hoặc những thứ khác.

Nếu nhà có cửa sổ, KHÔNG được thoát bằng đường này vì rất nguy hiểm, thay vào đó cần mở rộng cửa sổ và đứng trước đó gọi trợ giúp.

Tránh ngạt khói

Ngạt khói là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các vụ hỏa hoạn. Do đó, cha mẹ nên hướng dẫn các em trong quá trình chạy CẦN dùng khăn hay vải thấm nước bịt lên miệng, mũi để giảm ngạt khói. Khi di chuyển CẦN ở tư thế khom hoặc hạ thấp người, bò sát mặt đất, men theo tường để tìm lối ra.

Khi tóc hoặc quần áo của trẻ bị bắt lửa thì CẦN dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại để dập lửa. Nhắc nhở trẻ KHÔNG được dùng tay để dập lửa theo quán tính vì chắc chắn sẽ gây bỏng và khiến cho tâm lý cuống lên.

Dặn trẻ rằng lửa không phải là một món đồ chơi, KHÔNG được đùa giỡn với lửa, đặc biệt là trong hoàn cảnh sống chết như vậy. Ngoài ra, KHÔNG bao giờ được quay trở lại nhà cháy dù bất cứ lý do gì một khi đã ra ngoài an toàn.

Thực hành với con

KHÔNG bao giờ để trẻ nhỏ tiếp cận với những thứ bắt lửa như lò nấu, nến, bật lửa, nhất là khi trẻ một mình. Dặn trẻ CẦN giữ khoảng cách an toàn với những nguồn lửa trong nhà. Theo ước tính, trẻ em hàng năm gây ra khoảng 35.000 vụ cháy gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Khi có thời gian, cha mẹ CẦN dành thời gian thực hành với con. Đảm bảo trẻ có thể biết và sử dụng được những kĩ năng trong trường hợp hỏa hoạn và có thể thoát ra trong vòng 3 phút.

Trọng Nhân (TTO)

Có thể bạn quan tâm