Xã hội

Gia đình

Ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống:

Đẩy lùi tảo hôn để nâng cao chất lượng dân số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Xác định việc đẩy lùi tảo hôn là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số, thời gian qua, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm chung tay giảm thiểu tình trạng này.

Anh Mai Văn Phong-phụ trách Phòng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Trung tâm Y tế huyện Kông Chro) cho hay: Thời gian qua, Phòng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn tại địa bàn 14 xã, thị trấn; lồng ghép với đó là truyền thông về chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tư vấn-khám sức khỏe tiền hôn nhân… nhằm nâng cao chất lượng dân số, nhất là vùng dân tộc thiểu số (DTTS).

Buổi ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, lồng ghép truyền thông giảm thiểu tảo hôn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku). Ảnh: M.T

Buổi ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, lồng ghép truyền thông giảm thiểu tảo hôn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku). Ảnh: M.T

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp truyền thông chuyển đổi hành vi cho người dân theo từng nhóm nhỏ được 420 buổi với hơn 8.700 lượt người tham dự; vận động tại hộ gia đình được 5.677 lượt. Đặc biệt, phối hợp với Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi (xã Đak Tơ Pang) tổ chức ngoại khóa tư vấn, cung cấp kiến thức về dịch vụ dân số-kế hoạch hóa gia đình, lồng ghép giảm thiểu tảo hôn cho hơn 120 học sinh và giáo viên của trường.

Còn ông Trần Trọng Chức-Trưởng phòng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa) thì cho biết: Thị xã hiện có 49 thôn, buôn, tổ dân phố với khoảng hơn 42 ngàn dân. Ngoài 2 dân tộc chủ yếu là Kinh và Jrai, trên địa bàn còn có một số dân tộc sinh sống như: Tày, Nùng, Hoa, Ê Đê… Những năm qua, tình trạng tảo hôn trên địa bàn vẫn còn xảy ra; riêng năm 2023 có 3 trường hợp. Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

Trước thực trạng này, Phòng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã tham mưu lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã ban hành nhiều văn bản triển khai các hoạt động truyền thông về tảo hôn. Trong đó, tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức truyền thông về Pháp lệnh dân số; Luật Hôn nhân và gia đình; quy định về đăng ký kết hôn và khai sinh; tầm quan trọng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình; hậu quả của tảo hôn… Ngoài ra, tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình về nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào DTTS.

“Trong năm 2023, ngoài lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, họp dân, Phòng đã phối hợp tổ chức 16 buổi nói chuyện chuyên đề tại tất cả 8 xã, phường nhằm cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là những trường hợp có nguy cơ hoặc là nạn nhân của tảo hôn; phối hợp, cung cấp thông tin cho Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã về mô hình nâng cao chất lượng dân số, những hệ quả của tảo hôn; cấp phát 800 tờ rơi Kết hôn đúng luật-nâng cao chất lượng dân số, 500 tờ rơi Hôn nhân cận huyết thống và những hệ lụy”-ông Chức thông tin.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thanh Long-Trưởng phòng Nghiệp vụ dân số (Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình) cho biết: Từ năm 2009, ngành Dân số tỉnh đã triển khai mô hình nâng cao chất lượng dân số của một số dân tộc ít người, trong đó có nội dung truyền thông giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.

Sau khi thực hiện thí điểm ở 4 huyện: Mang Yang, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa, mô hình này đã được nhân rộng tại 50 xã thuộc 16/17 địa phương trong tỉnh (trừ TP. Pleiku). Khi đề án về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025 được ban hành, Ban Dân tộc tỉnh được giao chủ trì tổ chức, triển khai thực hiện, ngành Dân số vẫn tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép về vấn đề này.

Phòng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa) lồng ghép tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn cho người dân trên địa bàn. Ảnh: ĐVCC

Phòng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa) lồng ghép tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn cho người dân trên địa bàn. Ảnh: ĐVCC

Trong 2 năm (2021-2022), ngành Dân số toàn tỉnh đã tổ chức được 354 buổi tuyên truyền, tư vấn tại cộng đồng với trên 8.000 lượt người tham gia. Riêng năm 2023, thực hiện nội dung 2 của Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngành đã tổ chức truyền thông nâng cao chất lượng dân số được 330 hội nghị với 16.500 lượt người tham gia; phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân được 146 hội nghị. Nội dung chủ yếu là tuyên truyền,vận động, phổ biến chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình; tổ chức tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; giáo dục về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

“Với sự chung tay của ngành Dân số, đến nay, tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đã không còn; tảo hôn cũng được kéo giảm qua từng năm. Nhận thức của người dân, nhất là đồng bào DTTS về Luật Hôn nhân và gia đình hay hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết và ảnh hưởng của nó đến chất lượng giống nòi đã có sự chuyển biến tích cực. Đây là nền tảng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân vùng DTTS”-bà Long cho biết.

Có thể bạn quan tâm