Kinh tế

Nông nghiệp

Đẩy mạnh hoạt động chứng nhận VietGAP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai đẩy mạnh hoạt động chứng nhận VietGAP cho các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân nhằm nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững.
Năm 2020, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp giấy chứng nhận về việc đăng ký hoạt động chứng nhận đối với ngành nông nghiệp trong lĩnh vực sản phẩm trồng trọt được sản xuất, sơ chế phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11892-1:2017. Hiện nay, Trung tâm đang tích cực đẩy mạnh hoạt động chứng nhận VietGAP cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và người dân có nhu cầu.
Trong 3 năm qua, HTX sản xuất-thương mại-dịch vụ-du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã giúp hơn 30 thành viên liên kết sản xuất cà phê bền vững và các mô hình sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả theo chuỗi. Trong quá trình thực hiện, HTX được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN hướng dẫn theo bộ tiêu chuẩn VietGAP do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. 
Sản phẩm sầu riêng của HTX sản xuất-thương mại-dịch vụ-du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ảnh: Ngọc Thu
Sản phẩm sầu riêng của HTX Sản xuất-thương mại-dịch vụ-du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ảnh: Ngọc Thu
Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX Sản xuất-thương mại-dịch vụ-du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh)-chia sẻ: “Trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận VietGAP, Trung tâm đã hướng dẫn chúng tôi hoàn thiện các tiêu chí như: kỹ thuật, môi trường làm việc, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm… Hiện HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm cà phê, sầu riêng, bơ và mãng cầu ta hạt lép. Đây là cơ hội để trái cây Chư Păh khẳng định chất lượng, tạo được lòng tin với khách hàng và từng bước có chỗ đứng trên thị trường. Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng nhà kho, nhà máy sấy và phối hợp với HTX Thắng Lợi (tỉnh Bến Tre) để cung cấp giống, kỹ thuật và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm”.
Bên cạnh việc chứng nhận VietGAP cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, Trung tâm còn phối hợp với phòng nông nghiệp và PTNT, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các địa phương tổ chức các lớp tập huấn sản xuất nông sản theo mô hình VietGAP, giúp người dân nâng cao nhận thức thực hành nông nghiệp sạch. Ngoài ra, Trung tâm còn giới thiệu năng lực chứng nhận VietGAP đến các tỉnh bạn: Đak Lak, Kon Tum, Đak Nông, Bình Phước…
Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ
Khu thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN. Ảnh: Ngọc Thu
Đến nay, Trung tâm đã triển khai 3 hợp đồng về việc đánh giá chứng nhận lần đầu VietGAP cho sản phẩm cà phê với HTX và doanh nghiệp trong tỉnh. Đồng thời, chuẩn bị thủ tục để thực hiện hợp đồng với Trung tâm KH-CN tỉnh Bình Phước và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang, Phòng Kinh tế TP. Pleiku. Hiện Trung tâm phối hợp với Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Păh thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp cơ sở “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho cây sầu riêng”. Theo đó, Trung tâm sẽ hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho các vườn sầu riêng tại huyện Chư Păh với quy mô 5 ha từ nguồn ngân sách sự nghiệp KH-CN.
Tuy nhiên, việc triển khai chứng nhận VietGAP cho các HTX nông nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Lê Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, hiện nay, việc lạm dụng thuốc hóa học tại các nhà vườn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Người dân và các tổ chức chưa chú trọng đến việc xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tình trạng thiếu đầu ra ổn định là một thách thức lớn đến việc xây dựng mô hình này. “Vì vậy, thời gian đến, Trung tâm sẽ tích cực tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức về việc xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tăng cường nhân lực để đáp ứng kịp thời việc chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Phối hợp với các HTX và nông dân phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững”-ông Hải thông tin.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm