Kinh tế

Nông nghiệp

Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và bà con nông dân trên địa bàn xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Hoạt động liên kết đã từng bước thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Năm 2015, khoảng 100 hộ nông dân xã Glar (huyện Đak Đoa) bắt đầu liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Khi liên kết, Công ty cử cán bộ kỹ thuật xuống tập huấn quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C cho các hộ dân. Cà phê do các hộ làm ra được Công ty thu mua cao hơn giá thị trường 100-200 đồng/kg. Qua đó, thu nhập của người trồng cà phê được nâng lên.

Ông Uê-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất-thương mại và dịch vụ nông nghiệp Glar (làng Tuơh Klah, xã Glar) cho biết: “Từ thành công trong liên kết sản xuất với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, năm 2020, chúng tôi đã thành lập HTX với 15 thành viên là đồng bào dân tộc Bahnar. Sau 4 năm triển khai liên kết, bình quân mỗi năm, HTX cung cấp cho Công ty khoảng 800-900 tấn cà phê nhân theo tiêu chuẩn 4C”.

Vườn cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C của Hợp tác xã Sản xuất-thương mại và dịch vụ nông nghiệp Glar (xã Glar, huyện Đak Đoa). Ảnh: N.D

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-thông tin: Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cùng với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác và người dân trên địa bàn huyện đã liên kết với các doanh nghiệp chuyên sản xuất thu mua, chế biến các sản phẩm như: cà phê, hồ tiêu, chanh dây…

Đặc biệt, với lợi thế là có hơn 28 ngàn ha cà phê, nông dân trên địa bàn huyện đang mở rộng diện tích liên kết với các doanh nghiệp sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, Rainforest và hữu cơ. Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 13 ngàn ha cà phê của người dân và các HTX nông nghiệp đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

“Nhờ liên kết với doanh nghiệp, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Không chỉ cà phê, hiện nay, các HTX còn liên kết với doanh nghiệp để thu mua, chế biến hồ tiêu, chanh dây…”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết thêm.

Thời gian qua, huyện Chư Pưh cũng đẩy mạnh triển khai các dự án liên kết giữa các HTX, tổ hợp tác, người dân với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: sầu riêng, chanh dây, cà phê, hồ tiêu, nhãn Hương Chi...

Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Thông qua liên kết sản xuất, sản phẩm của các HTX, người dân làm ra được doanh nghiệp bao tiêu ổn định. Các HTX cũng chủ động xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.

Thành viên HTX đang phơi cà phê trên sân bê tông. Ảnh: N.D

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 240.916 ha cây trồng các loại liên kết sản xuất với 35 đơn vị đầu chuỗi. Trong đó, 95 HTX, 72 tổ hợp tác với trên 23.800 hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết với 69 doanh nghiệp bằng nhiều hình thức theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo tính bền vững trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và các địa phương, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã góp phần tạo ra những vùng nguyên liệu tập trung, khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Ông Y Nguyên Ê Nuôl-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin: Thời gian qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trong đó, nòng cốt thực hiện là các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác liên kết cùng doanh nghiệp làm đầu chuỗi. Khi tham gia chuỗi liên kết, nông dân được doanh nghiệp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế.

“Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tuyên truyền, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác và người dân với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu; phấn đấu xây dựng khoảng 100 chuỗi giá trị liên kết với đầu chuỗi.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc cây trồng chủ lực của tỉnh để nâng cao giá trị trên thị trường”-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm