(GLO)- Ngày 12-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Đây là các dự thảo luật cho ý kiến lần đầu theo quy trình xây dựng luật. Trên cơ sở hệ thống pháp luật và các dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai) đã đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện các dự án luật.
Đối với Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), xuất phát từ tình hình thực tế của công tác thu- chi của ngân sách nhà nước và việc tham gia các hiệp định quốc tế ASEAN; CPTTP… đại biểu Quốc hội Dương Quốc Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) cho rằng cần thiết để xây dựng một đạo luật về thuế để ngân sách có nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, để thu đạt hiệu quả, Nhà nước cần có biện pháp nâng cao ý thức đối với việc nộp thuế của công dân như ở các nước phát triển ý thức về nghĩa vụ nôp thuế rất cao và việc việc trốn thuế bị phạt rất nặng nhưng ở Việt Nam việc trốn thuế bị xem nhẹ, không những thế còn có sự thông đồng giữa cán bộ thuế và các doanh nghiệp diễn ra phổ biến.
Ảnh: Vũ Định |
Về hồ sơ Dự án luật, Chính phủ trình là đầy đủ và cụ thể, nhưng đề nghị những quy định nào có thể đưa vào luật thì Chính phủ quy định trong luật, hiện nay ¼ số điều trong Dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết là quá nhiều. Đại biểu góp ý cho các nội dung cụ thể như: các biện pháp để các cơ quan phải có trách nhiệm với ngân sách; mức thuế và thu được phải hài hòa với thu nhập để đảm bảo nguồn thu; các biện pháp đảm bảo thu, hình thức thu; các trường hợp khoanh nợ và những trường hợp truy thu do nộp thiếu, quá hạn nhưng có điều kiện nộp; giải quyết xung đột trong thanh tra và kiểm toán.
Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai) nhìn nhận thực tế các vụ trốn thuế do kiểm toán phát hiện, thực tế việc thu thuế của địa phương. Từ đó, đại biểu đề nghị tăng cường giám sát của Kiểm toán, trong đó có kiểm toán khai thác đấu thầu khoáng sản, để kiểm toán cần xuống thực tế để kiểm tra.
Đại biểu Đinh Duy Vượt. Ảnh: Vũ Định |
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt nhìn nhận từ việc các dự án chậm, chất lượng công trình kém, nợ công, đội vốn, cơ chế xin cho, tư duy nhiệm kỳ, tư duy dự án... thì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công là cấp bách và hết sức cần thiết. Nhưng, đề nghị xem xét việc quy định quá nhiều cơ quan tham gia vào đầu tư công, nhưng không rõ trách nhiệm; các công trình đầu tư công cần gắn với Quốc phòng-An ninh, và các mục tiêu của quốc gia; dự thảo cũng cần xem lại việc đầu tư để làm rõ đối tượng đầu tư và hình thức đầy tư; trong phân loại dự án đầu tư công cần tránh các hiện tượng tiêu cực như trong thời gian qua đối với vốn ODA. Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện thẩm định các dự án, việc thực hiện thẩm định quá tải có thể là kẽ hở cho tham nhũng tham ô mà cử tri quan tâm.
Vũ Định